2023 là năm mà du lịch Bình Thuận ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ sau thời gian chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, đồng thời khẳng định “điểm sáng” nổi bật trong bức tranh kinh tế tỉnh nhà…
Một năm thuận lợi
Có thể nói, điểm đến Bình Thuận đã thể hiện bước đột phá đáng ghi nhận trong năm nay nhờ một số yếu tố thuận lợi: Lần đầu đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận – Hội tụ xanh”. Cùng với đó, tuyến cao tốc đường bộ đoạn Phan Thiết – Dầu Giây và đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết lần lượt đưa vào khai thác, giúp rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển của du khách khi đến Bình Thuận. Hay như hình ảnh đặc trưng “Biển xanh – Cát trắng – Nắng vàng”, điểm đến có thế mạnh về nghỉ dưỡng – thể thao giải trí trên biển, thời tiết ủng hộ cho các hoạt động du lịch, ẩm thực đa dạng… cũng góp phần tạo sức hút đối với du khách.
Mặt khác, đây cũng là năm mà ngành du lịch địa phương tích cực triển khai công tác xúc tiến quảng bá, trong đó có tham gia Hội chợ Travex 2023 tại Yogyakarta – Indonesia, góp mặt ở Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh, tham dự Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam – Pháp (tại Hà Nội)… Còn trên địa bàn tỉnh đã huy động nguồn lực tổ chức thành công nhiều hoạt động trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2023. Đối với doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này đã nắm bắt và tận dụng cơ hội triển khai chương trình kích cầu du lịch phù hợp tình hình thực tế để thu hút lượng lớn khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí… Nhờ hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động, do vậy khép lại năm 2023 toàn tỉnh dự ước đón 8,35 triệu lượt khách (tăng xấp xỉ 46% so năm ngoái) và doanh thu ước thực hiện 22.300 tỷ đồng (tăng 63% so năm 2022).
Bước chuyển mình mang tính đột phá trong năm “thiên thời, địa lợi” cũng đặt ra mục tiêu phát triển bền vững cho du lịch Bình Thuận trước chặng đường dài sắp tới. Tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 do UBND tổ chức mới đây, nhiều ý kiến đã ghi nhận “điểm sáng” nổi bật của du lịch trong bức tranh kinh tế Bình Thuận. Qua đó cũng đề xuất chỉ tiêu đón khách năm 2024 sẽ phấn đấu chạm con số 8,8 triệu lượt khách (tăng hơn 5% so năm 2023), đồng thời khẳng định du lịch là một trụ cột vững chắc của kinh tế Bình Thuận…
Trước chặng đường dài
Với đà phục hồi và phát triển của ngành “công nghiệp không khói” thời hậu đại dịch Covid-19, việc kỳ vọng đón 8,8 triệu lượt khách trong năm mới 2024 là phù hợp định hướng của địa phương. Theo Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt mục tiêu phấn đấu đón 8,9 triệu lượt khách vào năm 2025… Song để hướng đến hoàn thành chỉ tiêu này thì địa phương và ngành phải nỗ lực nhiều hơn nữa, bởi tới đây sức hút điểm đến có thể giảm dần vì không nhiều hoạt động quy mô được chọn tổ chức trên địa bàn tỉnh như khi đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2023. Tuyến cao tốc đường bộ đoạn Phan Thiết – Dầu Giây và đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết dù vẫn đem lại lợi thế nhất định cho du lịch Bình Thuận, nhưng đó chỉ là điều kiện “cần” trong cạnh tranh hút khách. Xuất phát từ tình hình chính trị thế giới không ổn định cùng với kinh tế suy thoái sau đại dịch, thời gian qua thị trường khách trọng điểm và tiềm năng như Nga, Tây Âu… đến địa phương nghỉ dưỡng chưa sôi động trở lại, kể cả vào mùa cao điểm đón khách quốc tế.
Qua 1 năm thuận lợi và trước chặng đường dài, du lịch Bình Thuận nên chủ động “làm mới” cũng như tìm kiếm giải pháp nhằm tiếp tục giữ được độ “hot” cho điểm đến, qua đó hướng tới phát triển bền vững… Còn nhớ trong lần về làm việc tại địa phương, ông Nguyễn Trùng Khánh – người đứng đầu Tổng cục Du lịch (nay là Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) cho rằng được đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2023 là cơ hội “vàng” mà Bình Thuận cần nắm bắt, tận dụng hiệu quả. Vì thực tế qua tổng kết đánh giá của các địa phương từng vinh dự tổ chức sự kiện này, ngoài việc thu hút rất đông du khách thông qua các hoạt động trong năm đăng cai thì hiệu ứng lan tỏa về thương hiệu điểm đến sẽ góp phần đưa du lịch địa phương phát triển nhanh, bền vững vào những năm sau đó.
Thế nên tới đây, ngoài tăng cường xúc tiến quảng bá hình ảnh, thương hiệu thì du lịch Bình Thuận cũng cần tập trung nâng chất lượng và mở rộng liên kết, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới lạ, đẳng cấp cao. Tiếp tục phát huy lợi thế của điểm đến với nhiều loại hình du lịch hấp dẫn, nhất là về du lịch biển – đảo, du lịch MICE và Wellness, khám phá rừng – thác – hồ, thể thao giải trí trên biển – đồi cát để mời gọi những nhà đầu tư chiến lược, có năng lực và kinh nghiệm triển khai các dự án “điểm nhấn” theo quy hoạch phát triển của tỉnh. Đồng thời cũng quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, cung cấp mạng Wifi miễn phí tại các khu – điểm du lịch nhằm góp phần lan tỏa hình ảnh điểm đến “An toàn – Thân thiện – Hấp dẫn – Chất lượng”…