Một năm sôi động những sự kiện thể thao lớn tổ chức tại Bàu Trắng (Hòa Thắng – Bắc Bình) trong năm 2023 đã góp phần mở ra các tour du lịch theo tuyến TP.HCM – Mũi Né – Hòa Thắng – Đà Lạt. Ai cũng hiểu du khách đi theo dòng sự kiện, nhất là những ai đam mê thể thao. Nhưng về Bàu Trắng thì không chỉ xem sự kiện mà còn được đắm mình vào thiên nhiên kỳ thú, để liên tưởng mình như đang ở trong những cảnh phim đặc sắc của Mỹ.
Đó là cảm nhận của Mỹ Trang đến từ TP. HCM. Theo Trang, lúc ban đầu mới chạm Hòa Thắng, này là khung cảnh như sa mạc hiện ra với cát trắng mênh mông, với nắng, và gió thổi với âm thanh vù vù bên tai; này là 2 hồ nước trong xanh mà cách gọi của dân trong vùng rất gây tò mò là bàu ông, bàu bà; rồi đồi cát di động theo từng giờ khiến Trang liên tưởng đến những cảnh phim về đề tài sinh tồn trong hoang dã của Mỹ nên cứ bị cuốn vô thức vào tìm hiểu, khám phá. Trang nghĩ những du khách khác ít nhiều cũng cùng cảm giác ấy nên đó là 1 lý do Bàu Trắng ngày càng đông khách. Vả lại, đường sá cũng đã nối kết các điểm du lịch rất gần, rất thuận lợi trong di chuyển cũng như khám phá cung đường mới lên Đà Lạt, nhất là khi có cao tốc.
Không chỉ về Mũi Né qua cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết rồi ra Bàu Trắng tham quan, khám phá xong vào quốc lộ 28B đi lên Đà Lạt mà du khách cũng phát hiện rất sớm khi 2 tuyến cao tốc hình thành, đường lên Đà Lạt rất gần theo quốc lộ 28B. Yếu tố trên góp phần khiến Bình Thuận đón lượng khách đột biến trong năm 2023. Riêng Bắc Bình thu hút hơn 318.942 lượt khách đến tham quan, du lịch, tăng khoảng 81% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách trong nước chiếm 90%, khách quốc tế 10%.
Báo cáo năm 2023 của UBND huyện Bắc Bình cho thấy huyện đã phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều sự kiện văn hóa thể thao nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch xuyên suốt Năm Du lịch quốc gia 2023 với chủ đề Bình Thuận – Hội tụ xanh. Song song đó, tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động các cơ sở kinh doanh gắn với quảng bá hình ảnh nhằm thu hút du khách và các nhà đầu tư. Các mô hình du lịch tại địa phương tiếp tục mở rộng, phát triển thêm nhiều gói sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn. Nhờ vậy, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và vui chơi giải trí của nhân dân, du khách.
Khai thác văn hóa đặc trưng
Có thể nói năm 2023, Bàu Trắng như là cửa ngõ để du khách bước vào vùng đất Bắc Bình, nơi tập trung những giá trị văn hóa liên quan đến cộng đồng người Chăm của Bình Thuận. Và đặc biệt hơn, đó là những di tích cấp quốc gia nên giá trị lịch sử tự thân đã có sức hút ngay khi du khách mới nghe. Trên địa bàn huyện Bắc Bình có 5 di tích văn hóa nghệ thuật cấp quốc gia có sức hút như thế.
Đó cũng là hướng phát triển du lịch gắn với giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa, lịch sử, danh lam, thắng cảnh của Bắc Bình trong thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 24/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XIV) về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 06, Bắc Bình cho biết 2 năm qua, huyện đã chú tâm phát triển du lịch gắn liền với gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Trong năm 2022, Bắc Bình phối hợp với Trung tâm truyền hình Việt Nam – khu vực nam bộ (VTV9) thực hiện 5 ký sự “Miền thùy dương cát trắng”, 1 phóng sự “Sức sống mới ở chiến khu Lê Hồng Phong” tập trung khắc họa những nét đẹp về cảnh sắc thiên nhiên, về văn hóa – lịch sử của đất và người Bình Thuận, đặc biệt là huyện Bắc Bình – mảnh đất anh hùng, giàu truyền thống đấu tranh cách mạng đã góp phần quảng bá du lịch, văn hóa của địa phương. Ngoài ra, còn phối hợp cùng Hội Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp bảo tồn Khu Du lịch sinh thái Bàu Trắng”. Đồng thời triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận phục vụ phát triển du lịch của UBND tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện cũng ghi nhận công tác phát triển du lịch vẫn còn những hạn chế nhất định. Vì vậy, Bắc Bình tiếp tục thực hiện 12 giải pháp để tạo ra sự tác động mang tính toàn diện trên các lĩnh vực như quản lý nhà nước về du lịch, đặc biệt là quản lý các quy hoạch; tập trung mọi nguồn lực để phát triển du lịch, ngành kinh tế mang tính tổng hợp; đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông… Đặc biệt, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch. Song song đó, huyện nhấn mạnh phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có; giới thiệu các sản phẩm mới, chú trọng những sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương như gốm gọ, thổ cẩm, bánh tráng, thanh long. Đồng thời gắn các chương trình lễ hội văn hóa Chăm (Katê, Ramưwan), lễ hội tết Đầu lúa; phát huy giá trị văn hóa tại 5 di tích văn hóa nghệ thuật cấp quốc gia; làng nghề gắn với tham quan các di tích lịch sử văn hóa, lịch sử cách mạng. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư phát triển Điểm du lịch Bàu Trắng, nâng cấp Điểm du lịch Bàu Trắng làm điểm nhấn phát triển trong toàn khu du lịch khai thác có hiệu quả đồi cát Bàu Trắng, kết hợp rừng khu Lê Hồng Phong (căn cứ kháng chiến) phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái gắn với văn hóa, lịch sử. Tất cả nhằm giúp vùng đất Bắc Bình hấp dẫn trong mắt du khách.
5 di tích văn hóa nghệ thuật cấp quốc gia tại Bắc Bình gồm: Đình Xuân An, Đình Xuân Hội (Chợ Lầu), Đình Đông An (Phan Rí Thành), Đền PôNít (Phan Hiệp) và Đền PôKlong MơNai-Kho mở hoàng tộc chăm (Lương Sơn, Phan Thanh) và 01 di tích danh lam thắng danh lam thắng cảnh Bàu Trắng (Hòa Thắng) năm 2019 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định về việc xếp hạng di tích quốc gia. Mới đây Nghệ thuật làm gốm của người Chăm đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
BÍCH NGHỊ – ẢNH N. LÂN