Tôi lục lại ký ức tìm về những dòng sông con suối ngày xưa. Vâng! Cái ngày ấy xa lắm rồi, chi ít cũng ba, bốn mươi năm. Những dòng sông quê ngâm mát tuổi thơ, những dòng sông nối tình hò hẹn, mang lại sự sống.
Những dòng sông chảy vào lòng người nỗi nhớ bất tận. Nhà thơ Tế Hanh đã viết: “Quê hương tôi có con sông xanh biếc/ Nước gương trong soi tóc những hàng tre/ Tâm hồn tôi là những buổi trưa hè/ Tỏa nắng xuống dòng sông lấp loáng…”. Sông hồi ấy là nhạc, là thơ, là tất cả sự thương yêu, gắn bó mà đời người từ thế hệ này qua thế hệ khác gởi gắm vào đó, nặng nợ vào đó, nhớ nhung vào đó. Sông là phần hồn của xứ sở, là cội nguồn tạo ra hương sắc quê hương, là mạch sống ươm xanh bãi bờ làng mạc. Sông chắp cánh ước mơ, níu lòng người xa xứ. Đó là những con sông xanh ngắt, chảy lượn lờ giữa đôi bờ tre xanh ngắt. Ghe thuyền ngược xuôi, câu hò, tiếng hát theo sông trôi mênh mang trong gió, trong trăng, trong tình yêu trai gái. Thêm những bến sông, nơi ghe thuyền ghé lại giao thương buôn bán, nơi các mẹ, các chị, các em đêm đêm ra tắm giặt, gánh nước và cả đợi chờ hò hẹn… Như con sông Dinh quê tôi, con sông chảy lặng lờ từ Tánh Linh qua Hàm Tân xuôi về thị xã La Gi rồi lặng lẽ hòa vào biển cả. Ai đã từng sống với Bình Tuy xưa, với La Gi nay đều ít nhiều có những kỷ niệm khó quên với dòng sông này. Sao quên được những trưa hè ngâm tuổi thơ trong dòng nước mát lạnh hoặc dọc bờ sông rủ nhau đi hái trâm nước, hái bông trang, đi câu cá, mò cua, bắt ốc. Không chỉ vậy, trên dòng sông Dinh còn có đập Đá Dựng, một thắng tích rất đẹp.
Đá Dựng hồi ấy có vườn anh đào, có chùa một cột, có tượng sư tử bằng đá, có những chiếc cầu ván cong cong. Đêm trăng ngồi với Đá Dựng như ngồi giữa vườn cổ tích. Xa xa, dưới ánh trăng, những chiếc xuồng câu bé tí lững lờ trôi theo đìu hiu dòng nước; rồi tiếng nước róc rách chảy trong trăng, tiếng trăng mơ hồ rơi mong manh trên vườn anh đào. Tất cả tạo nên vẻ đẹp lung linh huyền ảo. Sông Dinh bây giờ vẫn đó, có điều bao vẻ đẹp lung linh huyền ảo ngày xưa đã không còn. Cũng như thân phận bao con sông, con suối Việt Nam. Những dòng sông ngày nay không mang lại sự hiền hòa, yên tĩnh nữa. Mùa khô, lòng sông ngửa mình phơi đá, mùa mưa nước lũ cuồn cuộn thét gầm.
Sông Dinh nhỏ và thơ mộng vậy, nhưng khi sông nổi giận thì hậu quả vô cùng. Còn nhớ tháng 7 năm 1999, trận lũ quét kinh hoàng trên sông Dinh đã cuốn trôi gần hết những cầu cống, nhà cửa hai bên sông, rồi tràn ngập nhấn chìm cả phố La Gi trong biển nước. Và mới đây đêm 28 tháng 8 năm 2021 giữa mùa dịch bệnh lây lan, sông Dinh lại gầm thét mang lũ về nhấn chìm hàng chục ghe thuyền của ngư dân. Tài sản, nhà cửa, ruộng vườn… bao nhiêu công sức, mồ hôi, nước mắt và cả máu đổ ra, tất cả bị nhận chìm trong lũ.
Con sông quê êm đềm ngày nào bây giờ đối với họ trở thành nỗi kinh hoàng vào mùa mưa lũ. Cả nước ta hiện có trên 70 đập thủy điện, riêng miền Trung và Tây Nguyên chiếm tỷ lệ khá cao. Có những dòng sông cõng trên lưng cả chục thủy điện. Theo đó, hiểu đơn giản, thủy điện miền Trung công suất nhỏ, vốn đầu tư ít, nhưng lợi nhuận cao. Có điều cái hại với dân thì chưa ai lường hết. Mười đập thủy điện trên cùng một dòng sông, mười hồ chứa nước, chắc chắn phía hạ lưu chẳng còn hạt nước nào để người dân mưu sinh trong mùa hạn… Trả lại sự bình yên cho những dòng sông là trách nhiệm của chúng ta.