Ngày hội tư vấn sinh kế cho đồng bào ở huyện Hàm Thuận Bắc do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận tổ chức mới đây với nhiều hoạt động sôi nổi. Sự tham gia của một số viện, trường, hợp tác xã, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đồng hành hỗ trợ tư vấn, thực hiện những mô hình trồng trọt, chăn nuôi cho đồng bào để lựa chọn sinh kế.
Mạnh dạn thay đổi thói quen canh tác cây trồng, chăn nuôi
Hôm ấy, sự kiện Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức ngày hội tư vấn sinh kế tại 3 xã vùng cao là Đông Tiến, Đông Giang và La Dạ (Hàm Thuận Bắc) thu hút đông đảo bà con tham dự. Ngay từ sáng sớm, cánh đồng sản xuất lúa tập trung ở thôn 3, xã Đông Tiến đã trở nên đông đúc người ra vào, chuyện trò rôm rả. Đó là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đến nghe tư vấn về gieo lúa sạ thưa, áp dụng “1 phải, 5 giảm”. Trong đó có giảm chi phí trong canh tác nhưng tăng năng suất, chất lượng sản phẩm lúa gạo. Đây cũng là lần đầu tiên người dân địa phương có cơ hội xem trình diễn máy bay bón phân, phun thuốc không người lái trên đồng lúa. Hình ảnh này được bà con trầm trồ, bởi sự lạ lẫm và là khâu quan trọng trong cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lúa chất lượng cao, hướng đến cánh đồng “không dấu chân”.
Từ mới lạ này đến mới lạ khác, không chỉ dừng lại ở một điểm tư vấn, mà ở La Dạ, người dân cũng được xem trình diễn máy bay không người lái phun thuốc, bón phân trên cây sầu riêng. Bà con được cán bộ chuyên môn, nhà khoa học tư vấn, hướng dẫn cách thức sản xuất sầu riêng VietGAP theo liên kết chuỗi để xuất khẩu. Với các hộ chăn nuôi heo bản địa, bà con được các chuyên gia tại Viện Chăn nuôi trực tiếp “làm mẫu”, hướng dẫn trực tiếp cách chế biến thức ăn chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học để đạt hiệu quả tốt nhất.
Điểm chính của ngày hội được tổ chức ở trung tâm xã Đông Giang. Trong không khí vui vẻ, nhộn nhịp, ông K’ Văn Phiếp – người uy tín tại thôn 2, xã Đông Giang, không giấu được cảm xúc của mình. Ông Phiếp cho biết, ngày hội sinh kế được Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức khiến bà con rất vui. Đây là dịp để đồng bào tại địa phương biết, hiểu về kỹ thuật trồng cây, chăn nuôi theo khoa học để nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế. Bởi trước đây bà con chăn nuôi, sản xuất truyền thống tự túc, tự tìm hiểu nên chưa đúng kỹ thuật, hiệu quả chưa cao.
Cùng chung niềm vui ấy, ông K’ Văn Chuyên – thôn 4, xã Đông Giang chia sẻ thêm: Tham gia ngày hội tư vấn, người dân được lắng nghe, hỏi rõ những thắc mắc về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Bà con cũng được làm điểm các mô hình nuôi, trồng, nếu điều kiện phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp, hợp tác xã…
Cùng tham dự tại ngày hội sinh kế lần này, bà Trần Thị Mỹ Lệ – Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc chia sẻ: Ngày hội sinh kế do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức tại 3 xã vùng cao của huyện có ý nghĩa rất lớn. Đây là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lâu nay việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt cũng như chăn nuôi còn hạn chế. Do đó, ngày hội diễn ra giúp cho nông dân tiếp cận được với kỹ thuật mới, từng bước phát huy được tiềm năng, phát triển kinh tế của từng hộ gia đình cũng như phát triển kinh tế của địa phương. Sau ngày hội này, UBND huyện Hàm Thuận Bắc sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã, đơn vị liên quan để làm cầu nối, kết nối lại giữa nông dân với các đơn vị, doanh nghiệp để nông dân được hướng dẫn kỹ hơn về kỹ thuật. Cùng với đó, sản xuất theo quy trình kỹ thuật, sản phẩm đáp ứng với yêu cầu thị trường, nâng giá trị sản xuất của nông dân.
Giúp nông dân làm theo cách mới, quy trình mới trong sản xuất
Về phía đơn vị tổ chức, ông Ngô Thái Sơn – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Tùy vào khu vực, trung tâm sẽ có cách làm khác nhau trong chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cũng như chia sẻ những kinh nghiệm sản xuất, trồng trọt. Tại 3 xã vùng cao Hàm Thuận Bắc, trung tâm kết hợp với các viện, trường, doanh nghiệp, hợp tác xã để “cầm tay chỉ việc” cho bà con, từ trồng trọt tới chăn nuôi. Sau đó, các doanh nghiệp sẽ ủng hộ bà con bằng cách bố trí các mô hình sản xuất, hỗ trợ con giống, vật tư, phân bón để người dân làm theo cách mới, quy trình mới. Từ đó, sẽ lan tỏa để bà con khác học hỏi, cải thiện thu nhập cũng như phát triển đời sống.
Theo ông Sơn, những năm trước đây, trung tâm còn tổ chức các mô hình đơn lẻ. Qua một thời gian đánh giá, sau khi tổ chức các mô hình, lớp tập huấn, việc nhân rộng chưa nhiều. Năm nay, Trung tâm Khuyến nông chọn những đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực của các xã. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã, viện, trường chuyển giao kiến thức mới nhất theo cách dễ nắm bắt, dễ làm nhất để bà con nhanh chóng tiếp cận. Trong đó, có tham vấn ý kiến về cây trồng, con nuôi mà họ mong muốn triển khai thực hiện hoặc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Mục tiêu mà ngày hội hướng đến là đúng và trúng những vấn đề mà đồng bào thực sự quan tâm. Từ đó, kết nối tạo sinh kế bền vững cho đồng bào. Tiếp tục tạo điều kiện cho người dân vùng cao tiếp cận ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương, tạo sinh kế bền vững.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Hàm Thuận Bắc là địa phương thứ 2 trong năm 2024 mà đơn vị tổ chức “Ngày hội tư vấn sinh kế cho đồng bào”. Chương trình có ý nghĩa thiết thực, giúp đồng bào thay đổi nếp nghĩ, học hỏi cách làm mới trong sản xuất nông nghiệp, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Hiện nay với việc chuyển từ khuyến nông hỗ trợ sang khuyến nông kết nối, trung tâm đã và đang là cầu nối giữa bà con sản xuất nông nghiệp với các doanh nghiệp, hợp tác xã. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, viện, trường đã tư vấn theo kiểu cầm tay chỉ việc, ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể cho bà con dễ nắm bắt, dễ làm theo. Song song, doanh nghiệp hỗ trợ phân bón, vật tư để thực hiện các mô hình nuôi trồng ngay sau khi kết thúc tư vấn. Thông qua ngày hội tư vấn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh mong muốn các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại Hàm Thuận Bắc sẽ mạnh dạn thay đổi thói quen canh tác, tạo sinh kế mới, góp phần phát triển đời sống, kinh tế.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/dong-bao-vung-cao-ham-thuan-bac-voi-ngay-hoi-sinh-ke-126355.html