BTO-Katê là lễ hội mang ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi. Katê còn mang ý nghĩa phồn thực, cầu mong cho sự hòa hợp lứa đôi, sự sinh sôi nảy nở của con người và vạn vật.
Khi chúng tôi đến nhà chị Lư Nguyễn Thị Phương Ái ở xã Phan Thanh đã thấy mọi người đang chộn rộn chuẩn bị cho tết Katê. Mỗi người mỗi việc, từ người già, phụ nữ, thiếu nữ cho đến thanh niên trai tráng đều chung tay từ việc nhẹ đến việc nặng.
Trong khuôn viên khá rộng của nhà chị Ái, nơi có nhiều tiếng nói cười nhất là nơi các chị, các bà làm các loại bánh. Trong tết Kate không thể thiếu các loại bánh truyền thống, như bánh tét, bánh gan tay, hay bánh gừng… Tỉ mỉ và cẩn trọng, từng chút một, qua bàn tay khéo léo, cái bánh dần được hình thành.
Gần đó, gia đình ông Văn Vĩnh Lạc cũng chuẩn bị cho tết truyền thống của đồng bào mình. Theo ông Lạc, người Chăm rất coi trọng quan hệ huyết thống, họ hàng, cũng như đời sống tình cảm của gia đình. Vì vậy Katê là dịp để thăm viếng nhau giữa những người thân tộc, bạn bè, tương tự như không khí Tết nguyên đán. Dịp này đồng bào Chăm theo đạo Bà La Môn cũng háo hức, nô nức cho một năm mới tạ ơn ông bà, tổ tiên, tạ ơn các thần linh đã giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Tại đền Pô Nít, xã Phan Hiệp, một ngày trước khi lễ chính của tết Katê diễn ra, không khí khá rộn ràng. Mọi người như không hẹn, cùng gặp tề tựu về đây để cùng chung tay chuẩn bị cho cái tết tại đền. Tiếng nói cười xen lẫn trong đôi bàn tay khéo léo, thao tác đều đặn. Những khuôn mặt dù đã có nhiều nếp nhăn, dù đôi bàn tay không còn nhanh nhẹn, nhưng chưa năm nào, bà Nguyễn Thị Xí lại không đến đây để được tận hưởng cảm giác sống trong bầu không khí của lễ hội truyền thống của cộng đồng người Chăm theo đạo Bà La Môn. Năm nay, các bà, các bác thống nhất làm đủ các loại bánh để cúng tổ tiên, riêng bánh gừng là 15 kg, mệt nhưng rất vui. Nên mọi người say sưa làm hết việc này đến việc khác, hết chiếc bánh này sang chiếc bánh khác.
Trong khi người lớn quây quần làm bánh, nấu nướng, các chàng trai, thiếu nữ Chăm khẩn trương luyện tập các tiết mục văn nghệ cho ngày hội chính thức. Tất cả đều muốn các khâu thật chu đáo và kỹ lưỡng như là tấm lòng thành của mình dâng lên các bậc tiền bối. Trong không gian không rộng rãi của phía sau ngôi nhà, đủ các vật dụng cần thiết được bày biện. Các thành viên trong gia đình này cũng đã tề tựu đông đủ. Người nào đi xa cũng tới ngày này, tụ họp về bên gia đình và bà con. Ngày tết là ngày sum họp, ngày đoàn tụ. Họ trở về trong ngày ý nghĩa này để được nghỉ ngơi, chúc tụng và ở bên cạnh người thân của mình. Họ cùng nhau quây quần và cảm nhận niềm hạnh phúc mà ông bà tổ tiên mang đến. Ai trong số họ cũng đều muốn chuẩn bị thật chu đáo và kỹ lưỡng những vật cúng như là tấm lòng thành của mình dâng lên các bậc tiền bối.
Khâu trang trí phục vụ lễ rước vua Po-nit lên đền được Trung tâm văn hóa thông tin – thể thao huyện trang hoàng với cờ hoa rực rỡ, con đường dẫn vào đền Pô-nit xã Phan Hiệp náo nhiệt bởi tiếng chuyện trò, hỏi han và cả những tiếng cười giòn giã. Tất cả đã sẵn sàng cho Lễ hội Katê với nghi lễ rước sắc vào ngày mùng 1 tháng 7 Chăm lịch, nhằm 14/10/2023 dương lịch.