Quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, trong suốt quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng, Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo làm tốt công tác dân vận, góp phần cùng với cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Tăng cường đối thoại với dân
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân, công tác dân vận của Đảng đã được hệ thống chính trị trong toàn tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ, từng bước đổi mới phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng của địa phương. Các cấp, các ngành đã kịp thời chỉ đạo, xử lý, giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc, phát sinh trong xã hội và nhân dân; tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ năm 2013 đến nay, các cấp, các ngành đã xây dựng được 2.668 mô hình tập thể và 1.994 mô hình cá nhân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nhiều mô hình, điển hình được các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng, tuyên dương, nhân rộng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, việc tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân ngày càng đi vào nề nếp, thiết thực. Từ năm 2015 đến nay, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức 1.088 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương với nhân dân. Bên cạnh đó, định kỳ hàng năm đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh còn đối thoại với cán bộ công đoàn, công nhân, người lao động trong các loại hình doanh nghiệp và cán bộ, đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh về những nội dung liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của từng tổ chức. Thông qua đối thoại, giúp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và các ban, ngành nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Đồng thời, tuyên truyền, giải thích để đoàn viên, hội viên và nhân dân hiểu, nhận thức đầy đủ hơn về chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận.
Gần dân, sát cơ sở
Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục phổ biến, quán triệt thực hiện Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Kết luận số 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Quy chế số 06 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Bình Thuận nhằm nâng cao nhận thức, tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác dân vận của Đảng.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt Kết luận số 21 của Hội nghị lần thứ tư – Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
Cùng với đó, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước theo tinh thần Chỉ thị số 33 của Thủ tướng Chính phủ “Tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”. Trong đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước gắn với xây dựng đạo đức, phong cách làm việc “gần dân, sát cơ sở”, “hiểu dân và lắng nghe nhân dân” cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; áp dụng chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội; giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, nhất là thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư phải bảo đảm công khai, minh bạch; tăng cường tiếp công dân, giải quyết đơn thư của công dân… Thực hiện tốt quy chế dân chủ và công tác dân vận trong thực hiện các công trình, dự án có liên quan đến quyền lợi nhân dân.
Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đồng bào có đạo; gặp mặt tiếp xúc với nhân dân, các chức sắc, chức việc trong tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội gắn với các phong trào thi đua yêu nước và việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động để tạo thành phong trào quần chúng trong nhân dân…