“Gần 3.000 độc giả đến với Thư viện tỉnh tham gia các hoạt động trong 3 ngày tổ chức Ngày hội văn hóa đọc năm 2023, chưa kể số lượng học sinh tham gia tại các chuyến xe Thư viện lưu động ở trường học, đây là con số ấn tượng, cho thấy hoạt động văn hóa đọc vẫn có nhiều sức hút đối với bạn đọc”. Giám đốc Thư viện tỉnh Trần Văn Bé đánh giá như vậy, sau chuỗi hoạt động Ngày hội văn hóa đọc có chủ đề “Sách cho tôi, cho bạn” tại Bình Thuận.
Người Việt có truyền thống hiếu học. Hình ảnh đứa trẻ ngồi trên lưng trâu đọc sách, dù cách đây vài trăm năm vẫn là hình ảnh đáng trân trọng nhất, bởi đọc sách là khởi điểm của sự học, học tự giác, học suốt đời. Nhưng trong xu hướng ngày nay, người đọc có xu hướng thích tiếp cận các nguồn thông tin nhanh và có vẻ “nhàn hạ” hơn là đọc sách. Vì thế, đi tìm độc giả là cách đang được thư viện các tỉnh khu vực miền Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ liên kết, chia sẻ cách làm với nhau để có thể phát huy vốn sách, lan tỏa thói quen đọc sách trong cộng đồng.
Nhìn từ Ngày hội văn hóa đọc năm 2023 vừa diễn ra tại Bình Thuận sẽ thấy sự quyết tâm của các thư viện để thay đổi phù hợp với xu thế hiện đại, xóa bỏ cái mác mà nhiều người đã từng gắn cho là “kho chứa sách”. Sự hấp dẫn, lôi cuốn độc giả ngay từ cách bố trí, trưng bày gian hàng sách, với đủ các thể loại từ lịch sử, văn học, khoa học, đến dư địa chí, hình ảnh trực quan mà thư viện các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh và Bình Thuận mang đến. Sự mới mẻ còn thể hiện ở cách thức tổ chức, khiến cho không gian ngày hội sách trở nên rộn vang tiếng cười và nhiều điều thích thú. Bởi không chỉ xem sách, tìm sách, đọc sách, thư giãn với sách mà độc giả còn được luận đàm, trao đổi về phương pháp đọc sách khoa học, hiệu quả; giao lưu với tác giả, tác phẩm; hệ thống kiến thức bằng các trò chơi… Trong đó, việc đưa trò chơi dân gian gắn liền với trả lời câu hỏi theo từng chủ đề đã thực sự lôi cuốn độc giả, nhất là đối tượng học sinh. Bà Phan Diễm Thúy – Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Bình Dương chia sẻ: Thay vì trả lời qua lại gây nhàm chán thì vận dụng trò chơi dân gian sẽ giúp các em vừa vận động về thể lực và trí tuệ, vừa phát huy tinh thần đoàn kết. Các trò chơi như bịt mắt đập heo, nhảy sạp, nhảy dây, đi hài vạn dặm… dễ chơi, gắn bó lâu đời với cư dân các vùng miền.
Ngay cả việc đưa thư viện lưu động đa phương tiện vào trường học cũng có nhiều nội dung kết hợp. Có nhóm đọc sách, nhóm xem phim khoa học, nhóm trải nghiệm, thực hành làm theo sách… đã tạo điều kiện cho các em tiếp cận với nhiều sách hay, khuyến khích việc đọc, tìm hiểu và xây dựng thói quen, kỹ năng, phương pháp đọc phù hợp.
Với sự hoạt náo, sôi nổi từ các trò chơi với sách đã thu hút không chỉ những học sinh “mọt sách”, mà cả với những em vốn ít đọc. Em Thân Vạn Hồng Hân – lớp 8 và nhiều học sinh Trường THCS Hùng Vương chia sẻ: Sau phần đọc sách, xem phim khoa học sẽ có các câu hỏi đố vui, thực hành phương pháp giáo dục STEM (tích hợp khoa học – công nghệ – kỹ thuật – toán học) bằng việc làm tên lửa khí, đi tìm tranh nên em thấy việc đọc rất thú vị và không còn nhàm chán…
Đổi mới phương thức phục vụ bạn đọc trong tình hình mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu sách là cách mà các thư viện hướng đến, nhằm mục đích chung là tạo sự gắn kết ngày càng chặt chẽ hơn giữa sách với người đọc, khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Qua đó cũng gợi mở cho các trường học trong tỉnh quan tâm hơn đến các tiết đọc sách, xây dựng thư viện thân thiện, tổ chức hoạt động, hội thi liên quan để khuyến khích học sinh tìm đến với sách nhiều hơn. Có một môi trường tốt, mới có những “mầm tốt” phát triển, góp phần tạo dựng một nền tảng đọc vững vàng trong dòng chảy văn hóa Việt Nam.