Đời sống xã hội có muôn hình vạn trạng những sự việc, hành động, tình huống, cảnh ngộ xảy ra. Có rất nhiều việc làm tốt đẹp. Song cũng không hiếm hành động chưa vừa ý người có quan hệ, giao dịch với mình. Trước những điều không vừa ý ấy, không ít trường hợp, người ta đã có sự khoan dung.
Một vài biểu hiện của sự khoan dung
Thường, khoan dung được hiểu là rộng lòng tha thứ cho người có lỗi lầm. Sống trong gia đình, các con có lúc gây nên những lỗi nặng, có lúc lại là sự cư xử chưa chuẩn mực trong gia đình. Trước những tình huống ấy, cha mẹ có sự khuyên nhủ, nhằm không để sự việc tái diễn những lần sau.
Ở nhà trường, học sinh tiếp xúc, được học với những thầy cô giáo trong cả một năm học. Đã có lúc các em gây nên lỗi. Rất nhiều thầy cô giáo, xuất phát từ lòng yêu nghề, từ tình thương của mình đối với học sinh, đã châm chước lỗi lầm của học sinh. Lỗi ấy có khi với bạn. Lỗi ấy có khi học sinh gây ra đối với thầy cô giáo đang giảng dạy mình. Những lời nhắc nhở có lý có tình của thầy cô thay cho những hình phạt. Điều ấy có trường hợp đem lại hiệu quả tốt trong giáo dục các em. Bên cạnh đó, có thể có học sinh có những lời nói, cử chỉ khiến giáo viên chưa hài lòng. Hoặc có thể do sức học, khả năng có hạn, có em không thể hoàn thành tốt những yêu cầu, bài tập do giáo viên đặt ra. Giáo viên, có người đã có những phản ứng, không hài lòng vì điều đó. Thay vì tìm hiểu kỹ học sinh lý do, có giáo viên đã thốt lên những lời lẽ nặng nề, có thái độ không vừa ý với học sinh ngay trên lớp. Sự thiếu khoan dung của giáo viên đôi khi để lại sự không hay trong mối quan hệ thầy – trò, ảnh hưởng đến việc học của em.
Ngoài xã hội, có rất nhiều trạng huống xảy ra trong các mối quan hệ đa dạng giữa người này và người khác.
Có công sở, lãnh đạo triển khai các ý kiến chỉ đạo đến những nhân viên dưới quyền. Quá trình thực thi, có nhân viên đã không chấp hành đúng ý kiến đã thỉnh thị. Điều ấy đã gây ra những bất bình trong cơ quan. Lãnh đạo cơ quan phát hiện, góp ý nghiêm khắc nhân viên thừa hành trên tinh thần không quá mạnh tay nhưng không để tái phạm.
Cũng đã có trường hợp, người cùng cơ quan ganh ghét nhau lúc làm việc. Người ganh ghét viết thư mạo danh, nói xấu đồng nghiệp với lời lẽ nặng nề. Lãnh đạo cử người xác minh, đơn sai sự thật. Điều ấy để lại ấn tượng không thể nào quên trong lòng người bị nói xấu. Rồi cũng lộ ra dần kẻ mạo danh. Người bị nói xấu rồi cũng dần nguôi theo thời gian, xếp lại chuyện ấy cho lòng bớt nặng. Tham gia giao thông, có người vô ý gây ra đụng xe. Lời xin lỗi nhẹ nhàng, thật bụng để lại sự hài lòng nơi người bị ảnh hưởng, không gây ra căng thẳng đôi bên.
Cũng trong quan hệ xã hội, không thiếu trường hợp, người nói dùng những ngôn từ nặng nề, thiếu chuẩn mực, để nói với người đối diện. Người nghe những lời ấy, sâu thẳm trong lòng, tưởng như dao đang cắt vào da vào thịt của mình. Người nghe vô cùng tức giận, tưởng không thể chịu đựng nổi. Nhưng rồi, người nghe cũng nguôi ngoai, bỏ qua điều ấy. Chỉ biết rằng, sau đó, người ấy chẳng bao giờ muốn gặp lại người đã từng buông ra những lời lẽ thô lỗ, bất lịch sự với mình.
Thêm một tình huống khác trong cuộc sống: Người bà con núp ở bụi chuối để nghe ngóng tình trạng bệnh tật của người có họ hàng với mình, thay vì vào để cùng chung tay lo cho người đang đau ốm. Sau cơn khó khăn ấy, bớt bệnh rồi, người bà con ốm đau ngày trước cũng thôi, không muốn nhắc lại chuyện cũ. Bởi, hành động nghe lén chẳng tốt đẹp gì!
Sự khoan dung rõ ràng xuất phát từ tính thiện trong lòng mỗi người, và người ta khoan dung trước những điều không hay người khác gây ra cho mình để thấy nhẹ lòng hơn.
Điều khác từ sự khoan dung
Bỏ qua những lỗi lầm của một người, nhằm giúp người gây ra lỗi có sự nhìn lại, sửa chữa, thay đổi. Song có khi lỗi sẽ được lặp lại, mức độ tác hại, ảnh hưởng đến người khác lại nhiều hơn. Sự châm chước cho lúc này, sẽ làm cho trường hợp khác nảy sinh. Vậy thì cần cân phân giữa sự nghiêm khắc trong xử lý và sự khoan dung ở những trạng huống có thể. Sự nghiêm khắc trong xử lý để những lỗi lầm lớn không gặp lại, để gia đình có nền nếp, trường học có tôn ti, xã hội có kỷ cương.
Riêng đối với mỗi người, tha thứ cho người đã gây ra những lỗi lầm, những điều không tốt, hoặc gây ra những đau thương đối với mình để lòng mình bớt những ưu tư. Khoan dung để người ta bình an hơn trong tâm, trong trí, để dành thời gian cho những việc làm khác, có ích hơn cho đời sống tinh thần của mình. Thêm một hành động khoan dung, rộng lượng để chủ thể tiếp tục tìm đến sự an lạc trong lòng.