Có lẽ mỗi người chúng ta, đặc biệt là thế hệ trưởng thành từ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ai cũng đã từng nghe qua ít nhất một lần ca khúc “Bài ca Trường Sơn” của cố nhạc sĩ Trần Chung (1927-2002) mà tác giả phần lời là cố nhà thơ Gia Dũng (1940 – 2019).
Những ca từ sau đây đã quá quen thuộc với những người xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước: “Trường Sơn ơi! Trên đường ta qua không một dấu chân người. Có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác. Dừng ở lưng đèo mà nghe suối hát. Ngắt một cánh hoa rừng cài lên mũ ta đi…”. Đây cũng là ca khúc được in đi in lại nhiều lần trong những tuyển tập “Hát về đường Trường Sơn” – con đường vinh dự mang tên Bác kính yêu, đã trở thành huyền thoại của thế kỷ XX và mãi mãi là niềm tự hào của mỗi người dân Việt. Bài viết này xin được đề cập đến nhà thơ Gia Dũng với tư cách là chủ biên công trình Tuyển tập thơ “Nước non một dải” tập hợp 999 bài thơ của 999 tác giả trong nước và Kiều bào ở nước ngoài, dày gần hai ngàn trang in, khổ lớn, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho ra đời từ quý III/2005, dưới hình thức liên kết.
Ngay trong lời nói đầu của tuyển tập, người sưu tầm, tuyển chọn đã bộc bạch: “… Tuyển tập thực sự chỉ là cái cớ cho một cuộc sum vầy tri kỷ. Chị ở tít trên Sa Pa, anh mênh mang ngoài Trà Cổ, bạn hun hút mãi cao nguyên miền Trung hay em vời vợi thẳm sâu nơi Đất Mũi Năm Căn, Hà Tiên, Châu Đốc… Họ đã từng vì đất, vì nước mà suốt đời tâm nguyện Nước non một dải”. Là tuyển thơ nói về tình yêu quê hương, đất nước, do đó người tuyển chọn có thể dung nạp mọi giọng điệu, mọi cung bậc tình cảm thể hiện dưới nhiều cấp độ khác nhau, được soi rọi qua các lăng kính hết sức đa dạng của đội ngũ tác giả. Bên cạnh những tác giả sừng sững trên thi đàn từ trước phong trào thơ Mới (1932 – 1945) như Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu là những tên tuổi đã khắc họa nên diện mạo của thơ mới ở nước ta như: Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Tế Hanh, Phạm Huy Thông, Đoàn Phú Tứ, Anh Thơ, Nguyễn Nhược Pháp…; những nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp như Tố Hữu, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Lê Đạt, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Chính Hữu, Hoàng Trung Thông, Hoàng Minh Châu, Khương Hữu Dụng, Minh Huệ, Trần Hữu Thung, Quang Dũng…; những nhà thơ tiêu biểu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước như Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Hoàng Nhuận Cầm, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Đức Mậu, Phạm Ngọc Cảnh, Trần Mạnh Hảo, Lâm Thị Mỹ Dạ, Giang Nam, Thanh Hải, Thu Bồn, Võ Văn Trực, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Bùi Vợi, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều… Chiếm số lượng áp đảo là thế hệ cầm bút từ sau ngày 30/4/1975 trên mọi miền đất nước, và rất nhiều người trong số họ là tác giả không chuyên. Đây cũng là một trong những tiêu chí tuyển chọn theo quan điểm cá nhân của nhà thơ Gia Dũng. Có người gắn bó với thơ ca gần cả cuộc đời, lại có tác giả được góp mặt vào tuyển tập khi đang là học sinh tiểu học. Có tác giả người Kinh, có tác giả là đồng bào các dân tộc thiểu số. Có tác giả hiện đang sinh sống trong nước, có tác giả là kiều bào ở nước ngoài và thơ ca đối với họ không phải là cứu cánh. Tuy biên độ của hợp tuyển mở rộng cả về nội dung, quy mô, đối tượng nhưng 999 bài thơ đều gặp nhau ở tấm lòng nhân hậu, thủy chung, gắn bó da diết với dải đất thiêng liêng hình chữ S mà các vua Hùng đã dày công gầy dựng và cháu con thế hệ Hồ Chí Minh ngày nay đang ra sức vun đắp, giữ gìn.
Tôi đã đọc đi đọc lại gần hai ngàn trang sách của tuyển tập với niềm xúc động của một tri âm đối với một tri âm. Bởi vì, ngoài 10 tập thơ in riêng, nhà thơ Gia Dũng đã dành phần lớn thời gian để sưu tầm, biên soạn, tuyển chọn và công bố hơn 30 tuyển tập thơ đồ sộ, của nhiều tác giả qua các giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Riêng trong tuyển tập này, các tác giả Bình Thuận có bài được tuyển chọn, bao gồm: Nguyễn Bắc Sơn, Từ Thế Mộng, Đỗ Hồng Ngọc, Lê Nguyên Ngữ, Nguyễn Như Mây, Huỳnh Hữu Võ, Đài Nguyên Vu, Nguyễn Lệ Tuân, Phạm Cao Hoàng, Tô Duy Thạch, Đỗ Quang Vinh, Hồ Việt Khuê, Đoàn Thuận, Trần Yên Thế, Thái Anh, Đinh Hồi Tưởng, Phan Anh Dũng. Một công trình thơ tuyển với quy mô lớn, chắc chắn không thể tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót và việc chỉ ra những thiếu sót ấy cũng không lấy gì làm khó khăn. Chẳng hạn, tuyển tập còn thiếu những tác giả và tác phẩm tiêu biểu của thơ ca Việt Nam hiện đại. Ngay tác phẩm của những tác giả có mặt cũng có thể thay bằng những bài thơ khác chất lượng tốt hơn. Phần tiểu sử tác giả, dù chỉ là mấy nét khái lược nhưng đôi chỗ cũng bộc lộ nhiều bất cập cần phải được bổ khuyết. Một vài sự nhầm lẫn giữa những tác giả cùng tên nhưng khác họ và tất nhiên không giống nhau về độ dày cống hiến và tác phẩm. Ví dụ Phạm Việt Thư hiện sống ở Nghệ An bị in nhầm thành Phạm Thiên Thư vốn là tác giả đã nổi tiếng ở miền Nam từ trước 1975, hiện sống và sáng tác tại TP. Hồ Chí Minh. Chút sai sót về quê quán, chẳng hạn Đoàn Thạch Biền không phải quê ở Bình Thuận, mặc dù anh có thời gian dạy học ở đây từ trước 1975…
Tuy nhiên, ôm trùm lên tuyển tập thơ “Nước non một dải” là công phu lao động rất đáng quý trọng của một người nặng nợ với thơ ca dân tộc một cách tự nguyện; không vụ lợi, không bị ràng buộc bởi bất cứ điều kiện gì. Hướng tới kỷ niệm 50 năm (30/4/1975 – 30/4/2025) ngày đất nước thống nhất, đọc lại tuyển tập thơ “Nước non một dải” để thêm một lần ghi nhớ sự hy sinh cao cả của thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Xin được mượn đôi điều tâm sự lúc sinh thời của chính nhà thơ Gia Dũng với bạn đọc Tuần báo Văn nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam để kết thúc bài viết này: “…Với sự hiểu biết còn rất hạn hẹp, tôi vẫn nghĩ rằng: Thời nào cũng vậy, thơ hay bao giờ cũng hiếm nhưng mà hiếm chứ không phải không có. Nhiều khi sự hiếm quý ấy lại ở ngay trong những người hoạt động ở cơ sở, ở các địa phương xa xôi, hẻo lánh. Rất lạ, có những tác giả tôi gặp họ có tới 2 đến 3 tập thơ ở dạng bản thảo nhưng lại chưa hề in một bài nào ở đâu. Phải là người tri âm, tri kỷ lắm mới được họ bộc bạch một vài… Đó là trường hợp nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân, PGS-TSKH Nguyễn Hải Kế-Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, nghệ sĩ nhiếp ảnh quá cố Nguyễn Thọ ở Sa Pa, cô giáo dạy văn Trường THPT Thiên Thanh ở Kiên Giang. Tôi rất chú ý và ưu ái những tác giả mà theo ý kiến của nhiều “nhà” ở “Trung ương” thì họ “lạ hoắc”, “mới toe”. Tôi hy vọng việc làm của tôi giống như một sự gây men để cho những cây bút “lạ hoắc”, “mới toe” ấy thêm say, thêm nhiệt…”.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/doc-lai-tuyen-tap-tho-nuoc-non-mot-dai-127027.html