Bình Thuận hiện có 2 huyện sản xuất muối là Tuy Phong và Hàm Thuận Nam. Tuy nhiên hiện nay diện tích sản xuất muối đang thu hẹp dần và gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân do đâu?
Từ đồng muối bỏ hoang
Những ngày này, có dịp đi qua cánh đồng muối Chí Công (huyện Tuy Phong), chúng ta có thể nhìn thấy một khoảng không gian khá rộng lớn nhưng trống trải, rơi vào cảnh hoang hóa ngay trung tâm xã. Khi mùa gió bấc về, kéo theo bầu trời âm u, hình ảnh bà con cần mẫn cào muối trên ruộng mấy năm về trước nay đã không còn. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những điểm sản xuất muối của tỉnh Bình Thuận đang dừng hoạt động, thu hẹp diện tích thời gian qua.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tại huyện Tuy Phong diện tích đất muối hiện tại 788,5 ha, trong đó xã Chí Công 62 ha, Công ty cổ phần muối Vĩnh Hảo 570 ha, Công ty TNHH Thông Thuận 156,5 ha. Nhưng từ năm 2022 đến nay, huyện Tuy Phong chỉ có Công ty cổ phần muối Vĩnh Hảo, Công ty TNHH muối Thông Thuận và một vài hộ dân của xã Vĩnh Hảo khoảng 6 hộ/26 ha hoạt động. Riêng diện tích muối của xã Chí Công không sản xuất, hiện bỏ hoang. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến diện tích sản xuất muối trên địa bàn giảm. Nhưng ngành nông nghiệp tỉnh xác định, khó khăn chủ yếu là do thời tiết thay đổi thất thường làm giảm đáng kể sản lượng muối. Mặt khác giá muối hay biến động do đầu ra không ổn định. Việc sản xuất muối ở một số địa phương không còn phù hợp do hiệu quả không cao. Bên cạnh, nhu cầu chuyển đổi mục đích sản xuất phục vụ du lịch, dịch vụ và việc đô thị hóa, dân số gia tăng kéo theo nhu cầu nhà ở. Riêng 62 ha đất sản xuất muối của xã Chí Công (nằm trên địa bàn 3 thôn Thanh Lương, Hiệp Đức 1, Hiệp Đức 2) do nguồn nước dơ, rác thải, sản xuất không hiệu quả, dân xin chuyển 22 ha sang đất ở. Trong khi đó, căn cứ đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong đến năm 2035 do UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1601 ngày 26/6/2019 thì khu vực sản xuất muối trên địa bàn xã Chí Công có quy hoạch là đất du lịch sinh thái rừng ngập mặn, đất trung tâm đa chức năng mới, đất cây xanh mặt nước.
Riêng tại Công ty TNHH Thông Thuận, qua trao đổi, phân tích của các sở ngành, địa phương và doanh nghiệp này, UBND tỉnh thống nhất tiếp tục ngừng hoạt động dự án đồng muối Thông Thuận tại xã Vĩnh Hảo. Lý do hoạt động sản xuất muối thời gian qua nhiều lần xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Theo quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của huyện Tuy Phong được phê duyệt thì khu vực này được quy hoạch đất công trình năng lượng.
Tương tự tại Hàm Thuận Nam
Cùng với huyện Tuy Phong, thì Hàm Thuận Nam cũng có diện tích quy hoạch sản xuất muối là 110 ha, trong đó xã Tân Thuận 90 ha, xã Tân Thành 20 ha. Tuy nhiên, diện tích thực tế sản xuất hiện nay còn lại 48 ha, gồm Tân Thuận 46 ha và xã Tân Thành 2 ha. Đặc biệt, tại xã Tân Thuận hiện có HTX muối Thanh Phong, diện tích sản xuất 122,3 ha với 151 thành viên tham gia. Lượng muối sản xuất ra đều được các doanh nghiệp, thương lái ngoài địa phương thu mua, giá muối dao động từ 800 – 1.000 đồng/kg. Ngoài ra trên địa bàn huyện còn có Công ty TNHH và TM Gia Thịnh chế biến muối (sản phẩm chính là hạt nêm).
Theo ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, khó khăn hiện tại của địa phương là cơ sở hạ tầng sản xuất muối được đầu tư nâng cấp, cải tạo nhưng chưa đồng bộ nên chưa thể áp dụng sản xuất muối theo quy mô công nghiệp. Người dân chủ yếu sản xuất thủ công theo phương pháp phơi nước, chưa ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất để tăng năng suất và chất lượng. Mặt khác, hiện nay diện tích quy hoạch đồng muối của huyện Hàm Thuận Nam đang vướng vào quy hoạch dự án du lịch và các hạ tầng công ích nên nhiều hộ diêm dân có xu hướng bán đất, tâm lý không an tâm sản xuất; có một số hộ diêm dân ngưng sản xuất dẫn đến diện tích muối bị giảm mạnh.
Trong khi đó, dự kiến quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam giai đoạn 2021 – 2030, diện tích sản xuất muối của HTX Thanh Phong được quy hoạch sang đất thương mại, dịch vụ. Do đó, UBND huyện thống nhất “chuyển sản xuất muối sang ngành nghề sản xuất kinh doanh khác để tăng thu nhập các hộ xã viên”. Đồng thời, UBND tỉnh giao UBND huyện Hàm Thuận Nam có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành liên quan định hướng cho HTX Thanh Phong chuyển đổi mô hình từ sản xuất muối, nuôi tôm sang lĩnh vực khác như kinh doanh thương mại, dịch vụ nghiên cứu hoán đổi vị trí đất khác để HTX phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp, hiệu quả. Về định hướng sản xuất và chế biến muối của tỉnh trong thời gian tới: Quy mô sản xuất giai đoạn 2025 – 2030 duy trì ổn định 570 ha. Sản lượng từ năm 2023 – 2025 đạt 75.000 tấn/năm.
Tính đến tháng 11/2023, sản lượng muối sản xuất toàn tỉnh trên 83.300 tấn, đạt 119% so kế hoạch 70.000 tấn, gồm 82.839 tấn muối sản xuất công nghiệp và 489,39 tấn muối sạch. Thời điểm này, thời tiết không thuận lợi cho việc sản xuất muối.