Cây lâu năm chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu cây trồng (trên 65%) ở Bình Thuận và diện tích ngày càng tăng lên. Hiện tại, cây lâu năm là thế mạnh và nổi trội ở một số địa phương phía nam của tỉnh như: Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam…
Năm 2023 tình hình thời tiết thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển các loại cây lâu năm. Các địa phương trong tỉnh tập trung phát triển và chăm sóc, đồng thời chuyển diện tích một số cây kém hiệu quả sang trồng mới các loại cây mang lại giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của từng địa phương. Sau khi Trung Quốc mở cửa thông thương trở lại từ cuối năm 2022 đến nay, giá bán và thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản của các loại cây lâu năm chủ lực của tỉnh giá cả có biến động so với năm trước.
Toàn tỉnh, hiện có tổng diện tích cây lâu năm đạt 108.346,1 ha, tăng 0,3% so với năm 2022 (tăng 296,5 ha). Trong đó: Diện tích cây công nghiệp lâu năm 67.042,8 ha, giảm 1% (giảm 699,6 ha); cây ăn quả lâu năm đạt 40.680,0 ha, tăng 2,7% (tăng 1.057,3 ha); các loại cây lâu năm còn lại 623,3 ha, giảm 8,9 % (giảm 61,2 ha).
Đứng đầu diện tích cây trồng lâu năm của tỉnh là cây cao su. Hiện nay cao su có diện tích 45.278,8 ha, tăng 0,6% (tăng 274,8 ha) so với năm 2022. Diện tích tăng chủ yếu ở các huyện: Tánh Linh và huyện Đức Linh, do người dân chuyển diện tích cây điều không hiệu quả sang cao su. Năm 2023, cao su đạt năng suất trung bình 15,6 tạ/ha; sản lượng thu hoạch đạt 67.950 tấn, tăng 5,2% (tăng 3.372,3 tấn). Hiện nay nhu cầu nhập khẩu cao su của các nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc đang có dấu hiệu phục hồi, giá bán mủ cao su so với cùng kỳ năm trước tăng nhẹ.
Cây trồng lâu năm có diện tích lớn đứng thứ hai trong tỉnh là thanh long, hiện đạt 26.498,5 ha, giảm 4,6% (giảm 1.289,2 ha) so với năm 2022. Diện tích giảm nhiều ở các huyện: Bắc Bình (giảm 694 ha); Hàm Thuận Nam (giảm 252 ha); La Gi (giảm 138 ha); Hàm Thuận Bắc (giảm 122 ha); Hàm Tân (giảm 102 ha). Diện tích giảm là do nguyên nhân giá bán giảm trong thời gian dài, trong khi chi phí lao động, phân bón ngày càng tăng, người trồng thanh long thua lỗ dẫn đến phá bỏ chuyển sang trồng cây khác hoặc bỏ hoang diện tích. Giảm mạnh nhất vào 6 tháng cuối năm 2022, sang năm 2023 một số diện tích già, người dân tiếp tục chuyển đổi sang trồng cây khác như sầu riêng, xoài, dừa… Trong năm 2023, nhìn chung giá thanh long ổn định hơn năm trước, nhiều vườn thanh long người trồng đẩy mạnh chong đèn vào dịp cuối năm. Năng suất đạt 216 tạ/ha, tăng 0,5% (tăng 1 tạ/ha), sản lượng đạt 570.560 tấn, giảm 3,9% (giảm 23.445,2 tấn) so với năm trước, sản lượng giảm chủ yếu do giảm về diện tích.
Đối với cây điều, diện tích hiện nay 17.588,6 ha, giảm 4% (giảm 740,4 ha) so với năm 2022, diện tích giảm nhiều nhất ở các huyện: Đức Linh giảm 634,3 ha, do một số vườn điều già cỗi ở các xã Đông Hà, Trà Tân, Tân Hà, Đa Kai, Mê Pu cho năng suất thấp người dân chuyển sang trồng các loại cây ăn quả khác như sầu riêng, xoài…; huyện Bắc Bình giảm 140 ha (giảm ở xã Hòa Thắng và xã Phan Rí Thành), do diện tích trồng trên đất cát bạc màu, lão hóa, năng suất thấp người dân chặt bỏ chuyển nhượng đất; các huyện còn lại diện tích không có nhiều thay đổi. Năng suất đạt 7,6 tạ/ha (tăng 0,1 tạ/ha); sản lượng đạt 12.900 tấn, giảm 3,9% (giảm 521,8 tấn).
Riêng cây tiêu, diện tích hiện tại 871,1 ha, giảm 15,3% (giảm 157,1 ha) so với năm 2022, diện tích giảm chủ yếu ở huyện Đức Linh (154,7 ha). Năng suất đạt 14,1 tạ/ha (giảm 0,1 tạ/ha); sản lượng đạt 1.230 tấn giảm 15,5% so với cùng kỳ (giảm 225,9 tấn). Do giá không ổn định, sâu bệnh thường xuyên xuất hiện gây hại người dân ngại đầu tư. Diện tích tiêu trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung ở các huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân và Hàm Thuận Bắc, các huyện còn lại không trồng do khí hậu, đất đai không phù hợp.
Đặc biệt là cây sầu riêng, hiện có diện tích 2.676,6 ha, tăng 41,6% so với cùng kỳ năm trước (tăng 786,6 ha). Trong đó: Huyện Đức Linh tăng 316 ha; huyện Hàm Thuận Bắc tăng 308,8 ha; huyện Hàm Thuận Nam tăng 155,5 ha; nguyên nhân tăng do nhu cầu thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh, giá đầu ra tăng đột biến, một số vùng có khí hậu thích hợp người dân chuyển đổi một số loại cây không hiệu quả sang trồng sầu riêng. Sản lượng thu hoạch ước đạt 4.250 tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước (tăng 680 tấn).
Các loại cây lâu năm còn lại diện tích biến động không đáng kể. Trong những năm qua, diện tích cây lâu năm ở Bình Thuận tăng hay giảm đều phụ thuộc vào tình hình biến động của giá cả nông sản.