Những năm gần đây, ngư trường ngày càng cạn kiệt, lao động biển lên bờ mưu sinh ngày càng nhiều. Nhằm khích lệ ngư dân tiếp tục bám biển, phát triển kinh tế, chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” được tổ chức tại Bình Thuận những ngày vừa qua như một cái ôm ấm áp, phần nào động viên những ngư dân tiếp tục là những “chiến sĩ biên phòng” trên biển, góp phần gìn giữ chủ quyền biển đảo quê hương.
Đồng hành cùng ngư dân
Đây là chương trình hết sức có ý nghĩa do Báo Pháp luật TP. HCM phối hợp UBND tỉnh tổ chức ngay thời điểm ngư dân đang vào vụ bấc – vụ thấp điểm của nghề khai thác thủy sản. Hơn 20 năm trong nghề, không biết đã trải qua bao nhiêu chuyến biển sinh tử, nhưng anh Lý Văn Quan (khu phố 2 – phường Hưng Long) vẫn kiên trì bám biển dù thu nhập hiện nay khá bấp bênh. “Chưa bao giờ nguồn lợi hải sản ít như năm nay, tôi tham gia chuyến biển hơn 1 tháng, nhưng trừ hết chi phí mỗi bạn thuyền chỉ chia được 3 – 5 triệu đồng, giảm hơn một nửa so với những năm trước. Từ đầu năm đến nay thu nhập của gia đình chỉ tầm 20 – 30 triệu đồng”, anh Quan chia sẻ. Anh Quan là 1 trong 3 gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn được Ban tổ chức chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đến thăm hỏi trực tiếp. Là trụ cột chính trong gia đình, phải nuôi 2 con đang tuổi đi học, vợ anh lại ốm đau triền miên, mọi trách nhiệm thêm phần nặng gánh lên đôi vai của người đàn ông cả đời sống chết với biển. Đặc biệt, để nuôi người con lớn hoàn thành chương trình đại học, anh phải nỗ lực gấp đôi, chẳng dám bỏ chuyến biển nào dù đôi khi sức khỏe không cho phép. Khi có ai đó hỏi “Có khi nào anh có ý định bỏ nghề biển lên bờ kiếm sống?”, anh Quan rất quả quyết: “Đây là nghề truyền thống của gia đình, dù biết nghề biển rất vất vả, gian truân nhưng lỡ xem thuyền là nhà, biển là quê hương, gắn bó với làng chài bao đời nay, nên khi nào sức khỏe không cho phép nữa thì tôi mới nghỉ thôi”.
Vươn khơi, bám biển không chỉ là hành trình mưu sinh đầy vất vả của ngư dân, mà còn góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước. Không chỉ vậy, làm thế nào để ngư dân Bình Thuận nhận thức rõ vừa khai thác hải sản vừa bảo vệ, bảo tồn hệ sinh thái đa dạng của vùng biển tỉnh nhà, cũng như quyết tâm gỡ thẻ vàng IUU cho thủy sản Việt Nam. Đây cũng là mục đích chính mà chương trình mang lại, vừa chăm lo, hỗ trợ kịp thời cho những ngư dân khó khăn, vừa là điểm tựa vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.
Nhiều chính sách cho ngư dân
Là 1 trong 3 ngư trường lớn của cả nước, Bình Thuận tự hào là tỉnh có truyền thống nghề cá lâu đời với hơn 7.500 tàu cá với khoảng 45.000 lao động trực tiếp trên tàu và hàng chục ngàn lao động khác trong các ngành dịch vụ hậu cần, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản. Những năm qua, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, huy động các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền phục vụ tránh trú bão cho tàu cá và bốc dỡ hải sản cho ngư dân; triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho ngư dân hoạt động khai thác, dịch vụ hậu cần thủy sản tại vùng biển xa. Bên cạnh đó, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ chi phí mua, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá với mức hỗ trợ 10 triệu đồng cho mỗi tàu cá. Mới nhất, Thường trực Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương sẽ hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh thiết bị VMS tàu cá, nhằm thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), cùng với cả nước tháo gỡ “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, tiến tới xây dựng nghề cá có trách nhiệm, bền vững.
Không chỉ vậy, những năm qua, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chăm lo đời sống cho cộng đồng ngư dân ven biển thông qua các chính sách phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm và phúc lợi xã hội. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng khẳng định, cùng với cả nước, tỉnh Bình Thuận đã nỗ lực, tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU. Việc EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam đã ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu và đặc biệt là ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Do vậy, ông Phan Văn Đăng kêu gọi các cấp, các ngành, đặc biệt là bà con ngư dân chung tay, đồng lòng cùng với chính quyền địa phương quyết tâm chống khai thác IUU, tháo gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC. Đồng thời, đề nghị bà con ngư dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật khi tham gia hoạt động khai thác hải sản, đặc biệt là không được vi phạm vùng biển nước ngoài, chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển.
Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Nguyễn Thái Bình cũng nhìn nhận, vùng biển Bình Thuận là một trong số ít vùng biển nước trồi ven bờ quan trọng và tốt nhất của thế giới, với các điều kiện sinh thái môi trường đặc trưng, cực kỳ thuận lợi cho sự phát triển đời sống sinh vật biển. Điều này vừa tạo lợi thế rất lớn cho Bình Thuận phát triển kinh tế biển vừa đặt ra nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo vệ, bảo tồn hệ sinh thái đặc trưng này. Bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, mong rằng sẽ góp phần hiệu quả trong việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của bà con ngư dân khi tham gia đánh bắt trên biển; ý thức bảo vệ môi trường biển, bảo vệ nguồn nội sinh của biển. Qua đó, góp phần đưa kinh tế biển của tỉnh nhà ngày càng phát triển gắn liền với những giá trị bền vững. Đồng thời, chương trình cũng mong là cầu nối để cộng đồng xã hội cùng chung tay hỗ trợ bà con ngư dân an tâm bám biển, khẳng định, gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Bình Thuận là địa phương có biển thứ 9 được tổ chức chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” trong năm nay với 200 phần quà được trao tặng, mỗi phần trị giá hơn 4 triệu đồng cho 200 hộ ngư dân trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao tặng 40 suất học bổng dành cho con em ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi. Trong 3 năm từ 2023 – 2025, chương trình dự kiến thực hiện tại 28 tỉnh, thành có biển trong cả nước. Tổng cộng sẽ có 5.600 ngư dân được nhận quà với tổng kinh phí thực hiện hơn 30 tỷ đồng.