Từ xa xưa quê hương nơi mỗi người sinh ra đều mang theo tên làng, xã suốt cuộc đời, nó không chỉ là định danh, là địa chỉ, hòm thư mà còn chứa đựng tình yêu quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn; nơi đi về sau những lần chạy giặc, làm ăn xa hay cả khi xa quê tuổi xế chiều cũng tìm về làng… với nhiều người, làng xã quan trọng hơn bất cứ thứ gì trong hành trình cuộc đời.
Tên làng xã và cội nguồn văn hóa tín ngưỡng
Trong mỗi người quê hương là một tình cảm thiêng liêng, sâu thẳm, nơi ấy có mọi nguồn kỷ niệm và ký ức tuổi thơ. Tên gọi làng, xã còn là nơi lưu giữ ký ức lịch sử, văn hóa, bản sắc địa phương, là sợi dây gắn kết con người với quê hương. Do biến động của hoàn cảnh lịch sử từng thời kỳ, từng chế độ, mà nhiều lần phải sắp xếp lại bộ máy hành chính đã khiến nhiều làng xã, phố, phường mất tên.
Đã bao lần chia tách, sáp nhập nhiều làng xã, phố, phường bị mất hoặc thay đổi tên, nhưng nhiều làng xã vẫn giữ được tên xưa của thời ông cha đi mở nước đến nay vẫn còn. Những làng cổ xưa như Bình An, huyện Tuy Phong; Xuân An, Xuân Hội, Xuân Quang, Hòa Thuận… huyện Bắc Bình; Đức Thắng, Đức Nghĩa, Lạc Đạo… Phan Thiết và nhiều địa phương khác trong tỉnh. Tùy theo nghề nghiệp cư dân làng đó sinh sống mà văn hóa và tín ngưỡng làng có những nét riêng. Khi dân cư ở đó chuyên làm nghề nông hoặc đa phần nghề nông thì tín ngưỡng những làng đó thường có đình làng, chùa làng, miếu làng gắn với lễ nghi phù hợp.
Những làng cổ xưa (hay một bộ phận) của làng mà cư dân ở đó làm nghề biển thì ở đó thường có tín ngưỡng thờ cá ông (cá voi) và hệ thống lăng, vạn với những lễ nghi liên quan gắn với thời gian đã định. Những làng ven biển từ Tuy Phong, Bắc Bình, Phan Thiết, La Gi và sâu đậm hơn cả về loại hình này là những làng xã ở huyện đảo Phú Quý.
Người Chăm xưa cũng có cả một hệ thống tên làng lưu giữ hàng thế kỷ, gắn với văn hóa làng và tôn giáo tín ngưỡng một cách rõ ràng, mạch lạc. Ví dụ như nói đến làng Lạc Trị (Palei Cawait), Tuy Tịnh (Palei Plom), Bình Đức (Palei Gaok), Tịnh Mỹ (Palei Canan)… là những làng Chăm xưa với tôn giáo Bàlamôn.
Còn những làng như: Bình Minh (Palei Aia Maamih), Bình Thắng (Palei Panat), Bình Hòa (Palei Dik), Cảnh Diễn (Palei Cakak), Châu Hanh (Palei Caraih)… là những làng Chăm xưa với tôn giáo Bàni. Trước đây khi về làm việc trong các làng Chăm, được nghe những người lớn tuổi nói chuyện với nhau bằng tên làng xưa theo tiếng Chăm mà không dùng tên mới. Nay vẫn vậy, vì với họ tên làng xưa dễ nhớ, dễ nói theo tiếng mẹ đẻ. Mỗi lần nhắc đến tên làng cũ là như thấy cha, mẹ, ông bà và lễ hội xưa hiện về.
Hỏi chuyện một số các cụ cao niên vì sao có tên làng theo tiếng Việt (Kinh) và có từ khi nào, nhiều người không biết, không nhớ. Một số người cho rằng các làng Chăm bị đổi tên cùng lúc với các dòng tộc bị đổi họ từ thời chúa Nguyễn để thuận trong địa bạ, thuế má… Tuy vậy, trong văn tế của giới chức sắc ở cả hai tôn giáo khi thực hành lễ nghi, đa phần xướng tên làng cũ, vì xướng tên làng mới sợ các ngài không biết mà về. Với một bộ phận đồng bào Chăm thì tên làng mới gần như chỉ có giá trị trong văn bản hành chính, giấy tờ nhà đất hay địa chỉ bưu điện mà thôi.
Đừng để mất tên làng xã sau sáp nhập
Hiện nay UBND tỉnh đã có Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến năm 2030. Chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính ở một số huyện như Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân và cả TP. Phan Thiết, thị xã La Gi. Về kinh tế – xã hội sáp nhập nghĩa là mở ra không gian phát triển mới, phù hợp với nhu cầu của thực tiễn của tỉnh và của từng địa phương. Việc sáp nhập tại một số địa phương đang dần tạo được sự đồng thuận của người dân, dẫu vẫn có những cái tên sắp trở về miền ký ức khi sáp nhập thôn, khu phố và đặt tên thôn, khu phố mới.
Nhìn từ góc độ văn hóa, sắp xếp lại đơn vị hành chính là chủ trương lớn của tỉnh nhằm tinh gọn bộ máy. Nhưng việc đặt tên làng xã, thôn, phố, phường là bài toán không hề đơn giản; vì những cái tên quen thuộc ăn sâu vào tâm thức con người từ lúc sinh ra chứ không phải là tên gọi hành chính đơn thuần. Đã có nhiều nơi sau khi sáp nhập thì những tên mới khô cứng, khiên cưỡng ra đời, xa lạ khiến người dân cảm thấy băn khoăn, thậm chí bức xúc. Bởi trong nội hàm làng quê có cả truyền thống văn hóa bao đời kết tinh trong tên đất, tên làng; là phong tục, tập quán, cách ứng xử, tâm lý, tín ngưỡng tôn giáo riêng có của người dân mỗi địa phương. Khó lòng chấp thuận một tên mới không gắn bó gì với văn hóa và tín ngưỡng làng xã xưa của bao thế hệ.
Cũng chuyện sáp nhập, đổi tên mà 250 năm trước cụ Lê Quý Đôn viết trong sách Phủ biên tạp lục năm 1776 cho biết, khi chúa Nguyễn tuyển người cho đội Bắc Hải, ngoài người xã An Vĩnh trên đảo Cù Lao Ré chỉ lấy người ở thôn Tứ Chính phủ Bình Thuận hoặc người xã Cảnh Dương (Quảng Bình). Hiện nay 2 địa danh trên còn nguyên tên làng, tên xã. Còn thôn Tứ Chính (Tư Chính) ở Bình Thuận thì không tìm thấy tên làng trên thực địa cũng như trên văn bản, giấy tờ.
Trong một bài báo của nhà báo Phan Khôi đăng trên tờ Thần chung, Sài Gòn, số 94 (12 và 13/5/1929) cho biết: Một xóm Chàm có tên là Càng Rang gần biển (huyện Tuy Phong) chuyên về nghề đánh cá, nhưng nghề ấy giờ về trong tay người An Nam hết. Như vậy, nếu tính từ năm Phan Khôi về thực tế năm 1929 đến nay mới chỉ có 95 năm thôi mà nguyên cả một làng Chăm làm nghề cá từ bao đời đã mất luôn cả tên làng, vị trí lẫn nghề của họ. Cũng nhờ bài báo mà chúng ta biết được đó là làng Chăm làm nghề biển cuối cùng ở Bình Thuận và cả ở Việt Nam.
Nói gọn lại tên làng xã xưa mang dấu ấn lịch sử bao đời, là niềm tự hào của mọi người sinh ra và lớn lên nơi đó, là sự nối kết giữa hiện tại, quá khứ. Một tên mới phải mang ý nghĩa sâu sắc là niềm tự hào của người dân, có tính nối kết tình cảm, giữ gìn truyền thống cha ông, truyền cảm hứng cho cộng đồng, cho thế hệ hôm nay và mai sau.