Trong 29 bảo vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia (đợt 12, năm 2023), thật tự hào khi có Linga vàng Po Dam, niên đại thế kỷ VIII – IX, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Thuận. Đây không chỉ là niềm vui của nhân dân tỉnh nhà trước thềm năm mới, mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam nói chung.
Tư liệu khoa học quan trọng
Linga bằng vàng được phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ học năm 2013, tại di tích cụm tháp Po Dam thuộc xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong – có niên đại khoảng thế kỷ VIII–IX. Trong Bàlamôn giáo, Linga tượng trưng cho thần Shiva với tư cách là nguyên lý nhân – quả (phá hủy và tái sinh), là sự sinh sản, là những vật thờ quan trọng trong các di tích kiến trúc tôn giáo cổ thuộc văn hóa Champa ở miền Trung Việt Nam và các nền văn hóa – quốc gia cổ đại khác trong khu vực Đông Nam Á.
Hiện vật Linga bằng kim loại vàng của di tích Po Dam là trường hợp duy nhất cho đến nay. Đây là loại hình Linga một phần làm bằng kim loại vàng được tìm thấy trong văn hóa Champa từ quá trình khai quật khảo cổ học ngay trong địa tầng, chứa đựng những thông tin khoa học quan trọng, có giá trị lớn đối với công tác nghiên cứu và nhận thức các vấn đề văn hóa – lịch sử liên quan đến di tích Po Dam và văn hóa Champa.
Theo đánh giá của những nhà chuyên môn, Linga là loại hình hiện vật tiêu biểu cho dấu ấn lịch sử mạnh mẽ của văn hóa Ấn Độ đối với vùng đất Nam bộ và khu vực Đông Nam Á, đặc biệt trong nửa sau thiên niên kỷ I Công nguyên. Đây là bằng chứng quan trọng trong việc nhận diện lịch sử phát triển của các hoạt động trao đổi thương mại, tương tác, giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa cư dân bản địa với văn hóa Ấn Độ, phản ánh quá trình truyền bá – ảnh hưởng của tôn giáo Ấn Độ đến vùng đất này trong lịch sử.
Hiện vật Linga vàng của di tích Po Dam chứa đựng những giá trị thẩm mỹ và tinh thần quan trọng thông qua biểu thị độc đáo trong cấu trúc tuân thủ quy định chặt chẽ của nội dung tôn giáo. Một vật phẩm rất cao cấp phản ánh một phần diện mạo đời sống sinh hoạt (tôn giáo) của một bộ phận cư dân thuộc tầng lớp thượng lưu trong xã hội ở khu đền thờ Po Dam trong lịch sử. Ngoài ra, nghệ thuật tạo hình trên hiện vật không chỉ đã chuyển tải rõ nét nội dung tôn giáo mà còn biểu thị nhiều chi tiết độc đáo thông qua chất liệu kim loại quý, đặc điểm cấu trúc phức tạp của hiện vật là một bộ phận gắn với phần bệ để tạo nên một vật thờ hoàn thiện. Để đạt được các yếu tố nêu trên đòi hỏi tư duy thẩm mỹ rất cao, đặc biệt là nghệ thuật trang trí khi mà hình khối và đường nét được kết hợp hài hòa, cân đối, đạt đến mức độ giản lược hóa cao khi tạo hình…
Phát huy giá trị bảo vật quốc gia
Ông Uông Trung Hòa – Trưởng Phòng Nghiệp vụ bảo tàng, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận cho biết: Trong số gần 30 ngàn hiện vật gốc Bảo tàng tỉnh hiện đang lưu giữ có giá trị về lịch sử, văn hóa thì Linga chất liệu vàng đặc biệt quý hiếm, độc bản. Ngày 18/1/2023, Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận 29 bảo vật quốc gia, trong đó có Linga vàng Po Dam. Đây là niềm tự hào của nhân dân tỉnh Bình Thuận, khi lần đầu tiên có 1 bảo vật quốc gia và sẽ làm tăng sự hấp dẫn, sự quan tâm của du khách đối với di sản văn hóa đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Sự công nhận phản ánh đúng thực chất về giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ, là sự trân trọng, ghi nhận của Nhà nước đối với giá trị hiện vật gắn liền với lịch sử vùng đất Bình Thuận.
Bên cạnh việc công nhận bảo vật quốc gia là một điều đáng mừng, nhưng chúng tôi nhận thấy trách nhiệm càng khó khăn hơn khi hiện nay, Bảo tàng tỉnh chưa đảm bảo tiêu chuẩn là một thiết chế bảo tàng đủ chuẩn, xứng tầm để trưng bày chuyên đề, đảm bảo công tác bảo quản hiện vật chống ẩm thấp. Đặc biệt khí hậu gió biển xâm nhập hơi mặn làm cho hiện vật nhanh bị xuống cấp, hư hỏng; hệ thống phòng kho, phòng trưng bày, phân bố không tập trung…chưa đáp ứng yêu cầu công tác bảo quản, bảo vệ và trưng bày hiện vật; còn mang tính tạm thời, chắp vá do cơ sở vật chất nhà Bảo tàng tỉnh đúng nghĩa đến nay chưa được đầu tư xây dựng. Qua đây, Bảo tàng tỉnh mong muốn cấp chính quyền quan tâm sớm bàn giao đất, xây dựng một thiết chế bảo tàng đủ chuẩn để phục vụ công tác trưng bày.
Trong thời gian tới, Bảo tàng tỉnh tiếp tục nghiên cứu tham mưu cấp thẩm quyền việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, bảo vật quốc gia nói riêng; xây dựng phương án bảo vệ, mua vật dụng đặc biệt để cất bảo quản và tiến tới phục chế phiên bản tỷ lệ 1/1 để phục vụ trưng bày chuyên đề, trưng bày lưu động phục vụ nhân dân và du khách, phát huy tốt bảo vật quốc gia gắn với phát triển du lịch, kinh tế, xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sâu rộng đến nhân dân trong và ngoài tỉnh về những giá trị vô giá của bảo vật quốc gia. Đồng thời tiếp tục xem xét, lựa chọn những hiện vật tiêu biểu, có giá trị để làm hồ sơ trình cấp thẩm quyền, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận bảo vật quốc gia nhiều hiện vật khác mà Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ, góp phần nâng cao ý thức, lòng tự hào giá trị di sản văn hóa của quê hương Bình Thuận để cùng chung tay xây dựng, bảo vệ, phát huy di sản văn hóa tỉnh nhà nói riêng, Việt Nam nói chung tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
“Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. Do đó, bảo tồn và phát huy giá trị bảo vật quốc gia là góp phần gìn giữ di sản văn hóa quý báu mà cha ông để lại”.
– ông Uông Trung Hòa.