Kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 trên địa bàn Bình Thuận đến nay nhìn chung đạt tỷ lệ còn thấy, do vậy trong những tháng cuối năm sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ…
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm nay của tỉnh là gần 4.840 tỷ đồng và hiện đã phân khai hơn 4.360 tỷ đồng, đạt khoảng 90% so với kế hoạch được giao (số vốn còn lại chưa phân khai chi tiết gần 480 tỷ đồng). Tính đến trung tuần tháng 9/2023, toàn tỉnh giải ngân được hơn 2.190 tỷ đồng, đạt 45,26% so kế hoạch vốn của Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 50,23% so kế hoạch vốn đã phân khai chi tiết.
Trong đó với nguồn vốn ngân sách tỉnh, bao gồm: Vốn xây dựng cơ bản tập trung trong nước (kế hoạch hơn 513 tỷ đồng) hiện giải ngân đạt 26,41%, vốn từ nguồn thu sử dụng đất khối tỉnh (kế hoạch 550 tỷ đồng) giải ngân đạt 41,94% và vốn từ nguồn thu sử dụng đất khối huyện (kế hoạch 450 tỷ đồng) đạt 88,28%, riêng vốn xổ số kiến thiết (kế hoạch 1.500 tỷ đồng) giải ngân đạt 43,67%. Cùng thời gian, giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu (kế hoạch 1.316,1 tỷ đồng) tính đến giữa tháng 9/2023 đạt 53,68%, còn lại các nguồn vốn: Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, vốn ngoài nước (ODA), vốn đầu tư từ bội chi ngân sách địa phương thực hiện giải ngân đạt tỷ lệ khá thấp.
Qua theo dõi tình hình, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết đến nay có 8 chủ đầu tư giải ngân trên 50% kế hoạch vốn năm nay, 6 chủ đầu tư giải ngân trên 40% kế hoạch vốn và 6 chủ đầu tư giải ngân trên 30% kế hoạch vốn. Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh hiện có 13 chủ đầu tư giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn, 6 chủ đầu tư vẫn chưa giải ngân kế hoạch. Thế nên với kết quả giải ngân kế hoạch vốn tính đến thời điểm giữa tháng 9/2023 đạt 45,26% (tăng thêm 10,51% so tháng 8/2023 là 34,75%), nhưng nhìn chung giá trị giải ngân còn thấp so kế hoạch giao. Một số nguyên nhân được cho là ảnh hưởng tiến độ giải ngân trong thời gian qua: Do giá cả nguyên vật liệu, nhân công, đơn giá xây dựng tăng hay như phải bổ sung thiết kế phòng cháy, chữa cháy theo quy định mới về công tác phòng cháy chữa cháy. Thêm nữa là công tác lập dự án đầu tư xây dựng công trình kéo dài thời gian, do thay đổi về chính sách, thông tư quy định hoặc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chậm phê duyệt. Ngoài ra cũng có nguyên nhân xuất phát từ năng lực quản lý dự án của một số chủ đầu tư còn hạn chế, chưa quyết liệt đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân kế hoạch vốn…
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các chủ đầu tư rà soát những nội dung đã được Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo có liên quan vấn đề này. Bên cạnh đó, các sở thẩm định chuyên ngành cần tăng cường công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế – dự toán công trình, thẩm tra, cấp giấy phép… để góp phần đẩy nhanh tiến độ về thời gian thực hiện việc đầu tư xây dựng công trình. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư trong việc thẩm định, cấp giấy phép môi trường cũng như phối hợp xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.
Vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh tiếp tục yêu cầu các sở ngành, địa phương, chủ đầu tư công trình về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023. Bên cạnh việc đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công cũng xác định đây là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành và địa phương…