UBND tỉnh Bình Thuận vừa ban hành kế hoạch để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 11/10/2023 của Chính phủ về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đến năm 2030.
Trong đó xác định PCTNTC là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đặt dưới sự lãnh đạo của của Đảng, được tiến hành mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; lấy phòng ngừa là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách, đột phá. Kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa, phát hiện, xử lý và sử dụng đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự. Đặc biệt gắn PCTNTC với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiểm soát quyền lực Nhà nước, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), củng cố niềm tin của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc…
Mục tiêu cụ thể là ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng xã hội dân chủ, kỷ cương, liêm chính; giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội. Khắc phục những sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ CBCCVC chuyên nghiệp, kỷ cương, liêm chính. Tăng cường các biện pháp phòng ngừa; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực, thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí, truyền thông; huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong PCTNTC…
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý kinh tế – xã hội và PCTNTC trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Theo đó tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: Tổ chức cán bộ, quản lý tài chính, ngân sách, tài sản công, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đấu giá; đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tín dụng, ngân hàng; thuế, hải quan và các lĩnh vực khác liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp… Qua đó nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quá trình ban hành, sửa đổi, bổ sung, thu hồi, đình chỉ, gia hạn, bãi bỏ, tổ chức thực hiện các quyết định hành chính. Kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền nhằm khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Bên cạnh đó kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, hoàn thiện chế độ công vụ, xây dựng đội ngũ CBCCVC liêm chính; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với người vi phạm trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ, đạo đức lối sống của CBCCVC. Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những CBCCVC suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, không hoàn thành nhiệm vụ công vụ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình nghiệp vụ của các cơ quan kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, không chồng chéo. Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và trách nhiệm của xã hội trong PCTNTC. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp xây dựng, thực hiện văn hóa liêm chính trong kinh doanh, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhất là khu vực ngoài nhà nước và các hành vi nhũng nhiễu, hối lộ của CBCCVC…