Cùng với một số địa phương trong tỉnh, nông dân Tánh Linh đang tiếp tục mở rộng sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, vùng lúa chất lượng cao, tạo điều kiện để mở rộng diện tích liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, huyện đã và đang phát triển các vùng sản xuất lúa giống, giúp đảm bảo chất lượng theo chuỗi giá trị kinh tế…
Liên kết sản xuất lúa giống
Tại vùng lúa Tánh Linh, địa phương luôn xác định việc mở rộng và nâng cao hiệu quả liên kết theo chuỗi giá trị các sản phẩm có tiềm năng và lợi thế của huyện, gắn với đổi mới hình thức tổ chức sản xuất phù hợp. Trong đó, cùng với điều và cao su thì lúa là một trong 3 sản phẩm chủ lực chính được chú trọng.
Ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh cho biết, năm 2023 và vụ đông xuân 2023 – 2024, địa phương thực hiện hợp tác liên kết giữa Tập đoàn Lộc Trời với 3 xã Đồng Kho, Đức Bình và Gia An triển khai sản xuất lúa giống bước đầu đạt một số kết quả khá khả quan. Theo đó, tổng diện tích sản xuất lúa giống 63,65 ha với giống lúa nguyên chủng OM5451, OM18. Ngoài ra, diện tích xã hội hóa giống lúa vụ đông xuân 2023-2024 thực hiện được 312 ha, trong đó có trên 4 ha sản xuất giống siêu nguyên chủng của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời sản xuất tại xã Đồng Kho.
Kết quả ấy được đề cập đến tại hội nghị sơ kết công tác liên kết sản xuất lúa giống giữa Công ty CP Giống cây trồng Lộc Trời với nông dân xã Đồng Kho mới đây. Thực hiện liên kết sản xuất lúa giống với Công ty CP Giống cây trồng Lộc Trời, nông dân trong xã được tập huấn quy trình sản xuất lúa giống, ký kết hợp đồng liên kết sản xuất với dịch vụ máy cấy – sạ cụm, phun thuốc, vật tư nông nghiệp và cán bộ kỹ thuật theo sát nông dân trong suốt mùa vụ. Sản phẩm lúa sau khi thu hoạch được định giá thu mua theo giá thị trường trước thu hoạch 5-7 ngày. Hiện tại, xã Đồng Kho có tổng diện tích sản xuất cây lúa 642 ha, trong đó diện tích sản xuất lúa giống gần 82 ha. Theo đánh giá kết quả mô hình, năng suất trung bình đạt 6,3 tấn/ha, giá thu mua từ 9.400 – 9.600 đồng/kg cao hơn giá lúa thị trường 1.100 đồng/kg. Đặc biệt trong vụ đông xuân 2023 – 2024, diện tích tham gia liên kết hơn 11 ha/11 hộ nông dân. Các hộ thực hiện mô hình cho biết, lợi nhuận từ sản xuất lúa giống theo phương pháp sạ cụm chênh lệch hơn so với sản xuất theo truyền thống là 1,7 triệu đồng/ha. Mặt khác, qua so sánh 2 mô hình cấy – sạ cụm so với sản xuất truyền thống, cho thấy liên kết sản xuất lúa giống vẫn có lợi nhuận hơn so với sản xuất truyền thống của nông dân. Nhưng hiệu quả rõ nét nhất là từ vụ thứ 2 trở đi, cũng như các vụ sản xuất giống tiếp theo.
Hướng đến 3 đồng nhất
Theo lãnh đạo UBND huyện Tánh Linh, hiện nay nông dân địa phương ngày càng quan tâm đến việc sử dụng giống lúa xác nhận đưa vào sản xuất lúa, từ đó đã làm tăng tỷ lệ giống lúa xác nhận khoảng trên 95% trên địa bàn huyện. Nông dân sản xuất theo phương pháp ứng dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất, sạ thưa, đỡ tốn kinh phí về giống, có đơn vị bao tiêu sản phẩm về lâu dài sẽ đem lại lợi nhuận cao.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là diện tích các hộ để liên kết nhỏ lẻ, một số hộ không khử lẫn nên giống không đạt tiêu chuẩn… Do đó, theo ông Nguyễn Hữu Phước, cần có 3 yếu tố tương đồng là đồng nhất về giống, đồng nhất quy trình sản xuất và đồng nhất về sản phẩm, như vậy mới đảm bảo được các khâu trong liên kết từ đầu vào đến đầu ra. UBND huyện Tánh Linh và Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng đề nghị, mong muốn các phòng ban, xã, thị trấn liên quan cùng với các đơn vị liên kết và nông dân đẩy mạnh, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa, chuyển giao kỹ thuật canh tác hiện đại, tiên tiến cho nông dân…
Về phía doanh nghiệp, địa phương mong muốn được tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ huyện Tánh Linh ứng dụng công nghệ, tiếp tục triển khai liên kết sản xuất giống lúa trong thời gian tới. Tăng cường hỗ trợ về mặt kỹ thuật, quy trình sản xuất, nhất là khâu khử lẫn để thu hoạch đạt tỷ lệ giống cao, đảm bảo người dân tham gia sản xuất giống có thu nhập cao hơn lúa thương phẩm. Qua đó từng bước đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị cây lúa…