Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đồng bào có đạo sinh sống, những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo một cách toàn diện góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện.
Tăng cường chỉ đạo công tác dân vận
Bình Thuận có 34 dân tộc thiểu số với 25.600 hộ, chiếm 8,4% dân số của tỉnh; có 8 tổ chức tôn giáo đang hoạt động với trên 427.000 tín đồ, chiếm 34,75% dân số của tỉnh… Vì là tỉnh có đông đồng bào DTTS, đồng bào có đạo sinh sống, những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo một cách toàn diện. Cụ thể, đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở vùng đồng bào DTTS, vùng tôn giáo. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội thường xuyên theo dõi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo, kịp thời phản ánh, đề xuất cấp ủy, chính quyền giải quyết. Nhờ đó, từ năm 2020 đến nay, Bình Thuận đã giải quyết 54 vụ việc liên quan đến đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo.
Bên cạnh đó, hệ thống dân vận các cấp thường xuyên quan tâm đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng theo phương châm “Nội dung tuyên truyền ngắn, gọn, dễ đọc, dễ hiểu”. Chỉ tính riêng năm 2022, tổ chức đoàn thể các cấp đã phối hợp thực hiện gần 2.000 đợt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho gần 84.000 người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo; tổ chức hơn 800 đợt tư vấn, trợ giúp pháp lý người dân; phối hợp thực hiện 28 đợt giám sát, 43 hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân các xã vùng đồng bào DTTS…
Đối với công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS được lực lượng vũ trang tỉnh quan tâm thực hiện. Đặc biệt là nhân rộng các mô hình “Tự phòng, tự quản”, “Ánh sáng an ninh”, “Dân vận khéo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, “Lực lượng vũ trang tăng cường đoàn kết với tôn giáo, dân tộc”, “Nhà tình nghĩa Quân – Dân”… Ngoài ra, Bình Thuận đã và đang thực hiện tốt chủ trương các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện kết nghĩa với các xã thuần, thôn xen đồng bào DTTS. Đến nay có 108 cơ quan, lực lượng vũ trang cấp tỉnh, cấp huyện kết nghĩa với 17 xã thuần và 37 thôn xen ghép vùng đồng bào.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Theo ông Nguyễn Linh Nhơn – Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, thời gian tới, Ban Dân vận sẽ tiếp tục với các lực lượng vũ trang đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS hiểu về những quy định của pháp luật, chấp hành các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội, tích cực đấu tranh với việc lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch.
Cùng với đó, duy trì và thực hiện đồng bộ các giải pháp phối hợp với lực lượng vũ trang trong nắm tình hình nhân dân, đặc biệt trong vùng đồng bào DTTS, vùng có đạo; làm tốt công tác dự báo, phát hiện và tham mưu xử lý có hiệu quả, kịp thời mọi hành vi nhen nhóm phá hoại của các phần tử xấu. Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp thường xuyên sâu sát cơ sở, sát nhân dân để phối hợp nắm tình hình. Thông qua đó đề xuất cấp ủy, chính quyền chỉ đạo giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề khó khăn, bức xúc phức tạp, không để xảy ra điểm nóng.
Mặt khác, tiếp tục tăng cường sự gắn kết, mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng vũ trang và Mặt trận, các tổ chức chính trị – xã hội trong tham gia xây dựng hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang địa phương, cơ sở vững mạnh toàn diện. Vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.