Nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, Đa Mi đang ngày càng được các cơ quan, tổ chức xã hội, trường học tìm đến nghiên cứu thực tế kết hợp tham quan.
Nói đến Đa Mi – “cao nguyên” nhỏ của Bình Thuận ai cũng biết, bởi nổi tiếng với cảnh quan thơ mộng, khí hậu mát mẻ. Nhất là những năm gần đây khi cao tốc Bắc – Nam mở ra rút ngắn thời gian đi lại giữa các vùng miền. Chính vì thế, Đa Mi ngày càng được nhiều người biết đến hơn khi từ đường tránh cao tốc tại xã Hàm Trí, rẽ về ĐT 714 đến Đa Mi rất gần. Cung đường này đang trở nên quen thuộc với du khách du lịch về nguồn viếng thăm Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận ở rừng Sa Lôn, xã Đông Giang tiện đường đến Đa Mi.
Theo ước tính của Công ty cổ phần Du lịch Đa Mi, đơn vị tổ chức tour trọn gói ăn ở, tham quan lớn nhất Đa Mi, từ đầu năm đến nay có khoảng 20.000 lượt khách đến Đa Mi tham quan vãn cảnh, trong đó nhiều nhất là vào ngày lễ 30/4 và 1/5. Đặc biệt, năm nay xuất hiện nhiều khách đoàn từ các trường trong và ngoài tỉnh. Ông Mai Văn Minh – Giám đốc công ty cho biết: “Trước kia rất ít khách đoàn, nhưng gần đây có nhiều hơn, không chỉ ở cơ quan, ban, ngành, trường học trong tỉnh mà còn ở các tỉnh, thành khác như, Đại học Phan Thiết, Trường Chính trị tỉnh, Trường THPT Lê Lợi, các khoa du lịch, lâm nghiệp của một số trường đại học ở TP.HCM, Cần Thơ…”.
Họ đến Đa Mi không đơn thuần là đi tham quan, thưởng thức trái ngọt của Đa Mi mà nghiên cứu thực tế về tình hình hoạt động, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và các cơ quan đóng chân địa bàn xã. Ngoài ra còn làm công tác thiện nguyện, với tặng quà cho các gia đình khó khăn bao gồm cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Đơn cử, Lớp Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước, ngạch chuyên viên chính, khóa 21 thuộc Trường Chính trị tỉnh do Ths. Lê Trung Quân – Giảng viên chính Khoa nhà nước và pháp luật dẫn đầu đoàn vừa đến nghiên cứu thực tế tại Đa Mi. Sau khi nghiên cứu thực tế tại Nhà máy thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi, đoàn có buổi làm việc với xã Đa Mi và tặng quà cho các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi của xã.
Đây là một trong những điểm đi thực tế trong tỉnh được xem là có ý nghĩa. Ở Đa Mi, học viên nắm bắt tình hình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, hoạt động phát điện – truyền tải… của nhà máy thủy điện, tham quan cảnh quan Đa Mi góp phần quảng bá du lịch cho tỉnh nhà.
Đó là với khách đoàn ở trong tỉnh còn nhiều khách đoàn khác ở ngoài tỉnh. Họ cũng đến đây nghiên cứu thực tế ở nhiều điểm bao gồm các nhà máy thủy điện. Ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó Quản đốc vận hành của Nhà máy thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi chia sẻ, thỉnh thoảng có đoàn khách của các trường ngoài tỉnh đến nghiên cứu thực tế kết hợp tham quan. Thường thì họ vào nhà máy thủy điện, rồi đến các điểm tham quan khác. Khi ở đây họ được chúng tôi giới thiệu về lịch sử hình thành, các hoạt động phát điện – truyền tải của nhà máy.
Ngoài ra trải nghiệm hồ, thác, vườn cây ăn trái của Công ty cổ phần du lịch Đa Mi và các mô hình trồng trọt, chăn nuôi khác. Cùng với đó, du khách được thưởng thức trái ngọt, với sầu riêng, măng cụt, bơ… đặc sản thế mạnh của Đa Mi nhiều người yêu thích.
Với lợi thế ấy, những năm qua Đa Mi được các cấp, ngành quan tâm phát triển thành điểm đến an toàn, lý tưởng đáp ứng nhu cầu của du khách nói chung và các cơ quan, đơn vị, trường học tìm về nghiên cứu thực tế nói riêng. Tuy vậy, hiện cơ sở hạng tầng cũng như dịch vụ du lịch ở Đa Mi vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng lợi thế. Ông Nguyễn Thanh Hải – Bí thư Đảng ủy xã Đa Mi cho biết, Đa Mi hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là về lĩnh vực đất đai, nên kìm hãm phần nào sự phát triển địa phương, trong đó có du lịch. Địa phương đang kiến nghị với các cấp, ngành tháo gỡ để Đa Mi phát triển hơn nữa thu hút nhiều du khách, nhất là khách đoàn của các cơ quan, đơn vị, trường học… góp phần quảng bá tiềm năng, cảnh sắc Đa Mi, tạo thêm sản phẩm du lịch độc đáo cho du lịch – ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/da-mi-vung-dat-cua-nhung-chuyen-di-nghien-cuu-thuc-te-120009.html