Chiến lược đa dạng hóa sản phẩm du lịch được thể hiện thông qua những hệ sinh thái du lịch đa dạng, đẳng cấp đang hình thành tại nhiều điểm đến, không chỉ thu hút du khách mà còn tạo nền tảng cho phát triển du lịch bền vững và hội nhập quốc tế.
Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
Du lịch là 1 trong 3 trụ cột của tỉnh để phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bình Thuận, chính vì vậy những năm gần đây ngành du lịch của tỉnh đã mở hướng kinh doanh mới, đầu tư để tạo ra sức bật mới bằng chính những sản phẩm du lịch chất lượng cao, các sản phẩm mới, năng động, thu hút sự quan tâm của du khách, nhất là khách nước ngoài. Suốt mấy chục năm phát triển, du lịch của tỉnh đã đạt được những thành tựu đáng kể. Là một tỉnh nằm trong cụm liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung bộ với nguồn tài nguyên phong phú về biển, rừng, khoáng sản, suối khoáng, các khu bảo tồn thiên nhiên như: núi Ông, núi Tà Cú, khu bảo tồn thiên nhiên biển đảo Phú Quý, Cù Lao Câu đa dạng sinh học… rất có tiềm năng phát triển du lịch. Với hệ thống bãi biển đẹp, cảnh quan tự nhiên thơ mộng, hùng vĩ, hoang sơ mang nét đặc trưng nổi tiếng như: Đồi cát Mũi Né, Bàu Trắng, mũi Kê Gà, các hồ thủy điện, suối khoáng Vĩnh Hảo, Đa Kai, suối khoáng nóng Bưng Thị, suối khoáng nóng Phong Điền… phục vụ tham quan, trải nghiệm, có tiềm năng phát triển thể thao biển kết hợp với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng. Ngoài ra, Bình Thuận còn có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa khá phong phú và mang đặc trưng của vùng đất Nam Trung bộ với nhiều kiến trúc độc đáo như: Di tích kiến trúc nghệ thuật, lịch sử – văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia như: tháp Chăm Pô Sah Inư, Trường Dục Thanh, Vạn Thủy Tú, Dinh Thầy Thím, Cổ Thạch Tự, Linh Sơn Trường Thọ (chùa núi Tà Cú)… Trên địa bàn tỉnh có 35 dân tộc cùng sinh sống với những nền văn hóa, phong tục tập quán, ngành nghề truyền thống, lễ hội, lịch sử khác nhau tạo cho tỉnh Bình Thuận một nền văn hóa đa dạng nhưng mang đậm bản sắc riêng. Là một trong những tỉnh phát triển ngành du lịch đầu tiên của Việt Nam, với những sản phẩm đặc trưng đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận như: Thương hiệu nước mắm đầu tiên tại Việt Nam, Đồi cát bay Mũi Né, bãi đá Bảy Màu (Cà Dược), Rồng xanh dài nhất, tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn dài nhất, diện tích trồng Thanh long nhiều nhất, nuôi trồng tảo quý Spirulina… Bình Thuận sở hữu nhiều lợi thế cũng như các thách thức trong định hướng phát triển ngành du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, du lịch tỉnh Bình Thuận vẫn còn những vấn đề hạn chế như: Sản phẩm du lịch vẫn còn nghèo nàn so với nguồn tài nguyên dồi dào trước xu thế hội nhập quốc tế, cùng với nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách về các sản phẩm, loại hình mới. Du lịch phát triển chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng, thiếu các dịch vụ hỗ trợ, phân tán nguồn lực đầu tư, trình độ nguồn nhân lực còn thấp… Đặc biệt, hệ thống sản phẩm du lịch hiện tại còn rời rạc, trùng lặp, chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng, chưa khẳng định được lợi thế cạnh tranh trên thị trường vùng Nam Trung bộ và cả nước, nhất là trong bối cảnh thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn vừa phát triển nông thôn mới toàn diện theo định hướng của tỉnh và Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị.
Đa dạng hóa các loại hình du lịch
Từ những nguyên nhân trên, tỉnh Bình Thuận vừa phê duyệt đề án “Đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đề án này sẽ giúp tỉnh Bình Thuận hệ thống hóa các loại hình, sản phẩm du lịch của tỉnh đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự tương đồng và khác biệt về sản phẩm. Ngoài ra, Đề án còn là một định hướng để góp phần mời gọi đầu tư, tập trung ưu tiên đầu tư, phát triển về kinh tế – xã hội của tỉnh, từng bước đưa ngành du lịch Bình Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng tinh thần Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị. Theo đó, tỉnh sẽ phát huy tối đa các lợi thế tiềm năng về tự nhiên và văn hóa, hài hòa trong xây dựng, phát triển loại hình, sản phẩm du lịch. Phát huy tính trải nghiệm, tăng tính hấp dẫn đáp ứng nhu cầu đa dạng của các thị trường khách du lịch trong từng loại hình, sản phẩm. Phát triển loại hình, sản phẩm theo lộ trình, có tính ưu tiên, bảo đảm tính khả thi, cân đối giữa cung và cầu trong du lịch, đầu tư có trọng tâm trọng điểm, phát huy tính đặc trưng của tỉnh Bình Thuận. Đồng thời sử dụng hợp lý hiệu quả tài nguyên du lịch theo hướng bền vững. Bảo tồn, phát triển tài nguyên du lịch và môi trường, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vùng miền. Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo sự kết hợp bảo vệ môi trường và quốc phòng – an ninh. Các phân tích, đánh giá và định hướng phát triển được dựa trên mối quan hệ tổng thể, có tính hệ thống, tính kết nối liên ngành, liên lĩnh vực và liên vùng. Với mục tiêu để góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trụ cột phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh phù hợp với quy hoạch và chiến lược phát triển du lịch, quy hoạch vùng tỉnh Bình Thuận, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cho biết sẽ tiếp tục phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch có trọng tâm, trọng điểm, bền vững và an toàn gắn với an ninh chính trị, bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc. Ưu tiên phát triển loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng, chuyên nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Bình Thuận. Đồng thời thu hút du khách đến tỉnh Bình Thuận nhiều hơn, thời gian lưu trú dài ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn, quay trở lại nhiều lần hơn, tăng doanh thu du lịch, góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Bên cạnh đó thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu, tiềm lực, kinh nghiệm, uy tín đầu tư vào du lịch của tỉnh, khai thác, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh…