Các giải pháp công nghệ, thiết bị tiên tiến đem lại hiệu quả thiết thực phục vụ chế biến sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được các chuyên gia giới thiệu cho nhiều cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã trồng trọt, chế biến nông sản trên địa bàn toàn tỉnh.
Ứng dụng năng lượng mặt trời tích hợp công nghệ tách ẩm vào chế biến nông sản tỉnh Bình Thuận đã được thạc sĩ (ThS.) Phan Văn Hiệp, Khoa Kỹ thuật – Công nghệ, Trường Đại học Văn Hiến (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ tại hội nghị công nghệ, thiết bị chế biến thanh long, các nông sản khác, do Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh tổ chức cuối tháng 8 vừa qua. Bởi các thiết kế sáng tạo của thiết bị như bẫy nhiệt mặt trời đặt phía trên máy sấy, hay đưa lên trên mái nhà xưởng, tích hợp công nghệ tách ẩm ngõ vào cho nông, hải sản; kiểm soát nhiệt độ sấy; khử vi sinh và nấm mốc bằng công nghệ UVC; điều khiển và giám sát trên LCD hay điện thoại thông minh. Việc ứng dụng sấy khô nông sản bằng năng lượng mặt trời tích hợp công nghệ tách ẩm hiện nay được thiết kế tiện lợi, không đòi hỏi diện tích rộng lớn, sản phẩm sau khi sấy duy trì được hàm lượng dinh dưỡng, có thể kiểm soát nhiệt độ theo ý muốn. Các máy sấy đa năng ứng dụng năng lượng mặt trời tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải; gia tăng độ đồng đều sản phẩm và sấy nhanh; giữ nguyên hình, nguyên màu, nguyên vị; vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo quản lâu hơn và tiết kiệm nhân công…
Phương pháp này khắc phục được những hạn chế của phương pháp chế biến nông sản truyền thống, như khâu phơi nắng nông sản cần nhiều diện tích, dễ hư hỏng do mưa bất ngờ, chim chóc, một số sản phẩm không khô như mong muốn sau khi phơi nắng. Khâu cấp đông hải sản tiêu tốn điện năng nhiều, phải có kho đông rộng rãi, vận chuyển khó khăn. Hoặc sấy gia nhiệt bằng chất đốt, bằng điện thì tốn nhiều thời gian, nhiên liệu, công suất sấy nhỏ.
“Các loại máy sấy ứng dụng năng lượng mặt trời tích hợp công nghệ tách ẩm hiện nay đều có thể ứng dụng sấy nông, hải sản của Bình Thuận như sấy thanh long thăng hoa, các sản phẩm chế biến từ thanh long, hạt điều, mực, cá…”, ThS. Phan Văn Hiệp chia sẻ.
Trong khuôn khổ liên quan, giải pháp “Công nghệ bảo quản thanh long, một số trái cây xuất khẩu chủ lực” được TS. Nguyễn Vũ Hồng Hà, Bộ môn Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Quốc tế (TP. Hồ Chí Minh) giới thiệu. Cùng đó, một số giải pháp tiên tiến khác như: công nghệ chế biến nước lên men, rượu vang từ thanh long; thiết bị chưng cất tinh dầu đa nguyên liệu phù hợp hộ gia đình; ứng dụng công nghệ Enzyme chế biến trái nhàu, nâng cao giá trị, bảo vệ sức khỏe được các trung tâm ứng dụng, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh chia sẻ. Cũng tại đây, một số HTX ở Đức Linh, Cơ sở nhang sạch Lệ Duyên (xã Hàm Chính, Hàm Thuận Bắc) đã nhờ ThS. Phan Văn Hiệp tư vấn máy sấy ứng dụng năng lượng mặt trời tích hợp công nghệ tách ẩm để có thể đầu tư chế biến sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận cho biết: “Việc giới thiệu công nghệ, thiết bị chế biến, bảo quản nâng cao chất lượng nông, hải sản sau thu hoạch để phục vụ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm lợi thế, chủ lực của tỉnh, góp phần đa dạng hóa sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Theo số liệu thống kê, tổng diện tích thanh long toàn tỉnh gần 26.500 ha, sản lượng thu hoạch hơn 570.000 tấn/năm. Qua đó, các cơ sở, doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình trong tỉnh có thể tham khảo đầu tư, chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ thị trường trong nước, xuất khẩu, gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập cộng đồng, hướng đến phát triển bền vững không chỉ thanh long mà còn nhiều nông sản khác của tỉnh.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/cong-nghe-thiet-bi-phuc-vu-che-bien-san-pham-nong-nghiep-123706.html