BTO-Đó là ý kiến của Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Phó Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận phát biểu sáng nay (7/6) với Quốc hội trong kỳ họp thứ 7, khóa XV về dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Theo ông Thông dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, việc ban hành dự thảo Nghị quyết nhằm tạo các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá, để hỗ trợ thúc đẩy phát triển thành phố nhằm đạt được các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 43-NQ/TW và Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị là cần thiết.
Đối với chính sách thí điểm thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng (Điều 13 dự thảo Nghị quyết) pháp luật của nước ta chưa có quy định về việc thành lập, hoạt động đối với Khu thương mại tự do, trong khi đó đây là mô hình kinh tế đã khá phổ biến, được nhiều quốc gia áp dụng thí điểm, việc tạo cơ chế áp dụng thí điểm tại Đà Nẵng nhằm tạo bước đột phá mới cho Đà Nẵng nói riêng, đồng thời để khảo nghiệm việc phát triển mô hình kinh tế mới đối với nước ta nói chung trong thực tiễn.
Dù vậy, do có sự khác biệt về thể chế, đặc điểm địa chính trị và nhu cầu phát triển thương mại của nước ta với các quốc gia khác, và đây cũng là mô hình đầu tiên chưa có tiền lệ ở nước ta. Do đó kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, cần phải có cơ chế giám sát đặc biệt để chúng ta vừa làm, vừa kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm và nhất là định lượng được các tác động của chính sách này nhằm đảm bảo tính khách quan và bao quát từ thực tiễn triển khai thực hiện.
Với chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (khoản 4 Điều 14 dự thảo Nghị quyết), dự thảo Nghị quyết quy định 4 nhóm chính sách, có một nội dung mà còn băn khoăn đó là chính sách cho thuê trực tiếp tài sản kết cấu hạ tầng thông tin không thông qua đấu giá cho đối tác chiến lược thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Được phép chỉ định thầu, mua sắm các trang thiết bị đặc thù từ đối tác chiến lược thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; Chính sách ưu đãi, nội dung và mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ, quy trình, thủ tục hỗ trợ sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng thông tin để phục vụ phát triển lĩnh vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo;… Việc cho phép cho thuê trực tiếp tài sản không thông qua đấu giá hay được phép chỉ định thầu, mua sắm các trang thiết bị đặc thù từ đối tác chiến lược thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo;… như dự thảo Nghị quyết quy định có thể rút ngắn thời gian, thủ tục, thuận lợi trong triển khai thực hiện. Vì vậy, cần có cơ chế giám sát, đánh giá sâu kỹ vì thực tế có thể phát sinh các vấn đề liên quan đến tính cạnh tranh, chất lượng trang thiết bị (vì không có tính cạnh tranh) và thu ngân sách (vì không thông qua đấu giá, đấu thầu).
Hiện nay theo thống kê có 10 địa phương được áp dụng cơ chế đặc thù theo nghị quyết của Quốc hội, nhưng thực tế cho thấy nhiều địa phương còn khó khăn và mỗi địa phương đều có tính chất đặc thù riêng. Để tránh tâm lý các địa phương có sự so sánh, so bì trong việc xây dựng chính sách đặc thù, từ đó dẫn đến mỗi địa phương sẽ có một nghị quyết đặc thù riêng thì sẽ trở thành phổ biến. Do đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần sớm cho chủ trương, chỉ đạo tổng kết việc thực hiện các Nghị quyết đặc thù đang được triển khai thực hiện ở các địa phương hiện nay, để kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm, luật hóa và nhân rộng áp dụng chung trong cả nước, hoặc cho các vùng, các tỉnh có tính chất tương đồng đối với những chính sách mang lại hiệu quả. Để vừa đảm bảo các chính sách mang lại hiệu quả cao được nhân rộng và kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những chính sách còn bấp cập, hạn chế. Đồng thời tạo thêm động lực, điều kiện, cơ chế để các địa phương khác trong cả nước cùng phát triển.