Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi tìm được việc làm ở một cơ quan nhà nước và sống lập nghiệp tại TP. Đà Lạt mộng mơ. Vì thế, đã nhiều năm rồi gia đình nhỏ của tôi không dùng bếp củi.
Bếp lửa nhóm củi và khói bếp lam chiều bay ra từ chái bếp ở mái nhà tranh quê trong những ngày mùa đông vẫn còn vẹn nguyên trong tôi mỗi khi nhớ về. Vào những năm đầu thập niên tám mươi của thế kỷ trước, cứ vào dịp cuối năm; không chỉ riêng gia đình tôi, mà đa số những gia đình trong cùng huyện Hàm Thuận Nam, làm gì thì làm nhà nào cũng chuẩn bị sẵn một đống củi chất bên hè để phục vụ bếp lửa trong những ngày tết.
Củi dùng để nấu ăn, nấu nước uống hàng ngày. Củi dùng để đốt lò rang nổ đóng cốm, đốt lò tráng bánh; nấu bánh chưng, bánh tét; hầm thịt, kho măng… và dùng cho tất cả những thứ gì cần lửa làm chín. Tôi nhớ vào dịp cuối năm, những người cha, người anh trong gia đình sắp xếp 2 đến 3 ngày; chuẩn bị gạo, nước mắm, cá khô mang theo với đôi bò, xe vào rừng lấy củi. Cứ chiều chiều khoảng chừng 3 – 4 giờ là những chiếc xe bò hướng về phía núi rừng mà thẳng tiến. Từng đoàn, từng đoàn, bụi bay mù mịt cho đến khi những chiếc xe khuất khỏi tầm nhìn của xóm làng. Có lần được nghỉ học, ba cho đi theo để chăn bò, tôi vui lắm và những chuyến được đi như thế tôi nhớ đến tận bây giờ. Không biết là đoạn đường xa bao nhiêu, nhưng những địa danh như Ba Bàu, thôn ba, Hàm Cần, Mỹ thạnh, Suối kiết, Dặn thùng, Ruộng hoang… là những nơi người dân thường đến để lấy củi mang về. Củi được mang về là những cây gỗ khô, chọn những khúc thẳng, cắt đầu, cắt đuôi dài khoảng chừng 4 đến 6 m, có đường kính từ 30cm trở lên. Đa phần những cây gỗ bị cháy lem nhem, do người ta đốt rẫy lúc cây còn tươi. Mỗi xe chỉ chở được tối đa 10 đến 15 cây củi, tùy vào độ dài và độ lớn nhỏ khác nhau. Có những năm, ba tôi vào rừng lấy củi 3 đến 4 chuyến để cất dành sử dụng cho việc nấu ăn trong cả mùa mưa năm sau. Hơn nữa, những ngày cuối năm vào rừng ngoài việc lấy củi, người dân quê tôi còn tìm hái me đem về sử dụng trong việc đóng cốm, làm mứt và me khô được để dành nấu canh chua, làm mắm me… Ngoài ra, còn tìm kiếm chặt những cành mai vàng đem về lặt lá, thui gốc ngâm nước chờ cho đến Tết Nguyên đán nở hoa chưng trong nhà.
Phần anh em chúng tôi là cưa những cây củi ba đem về ra từng khúc nhỏ, ngắn khoảng 40 cm; rồi dùng búa, dùng rựa bữa nhỏ thành 5, thành 7 miếng đem cất vào trong bếp để cho bà, cho mẹ nấu ăn. Ký ức về một miền quê yên ả giáp với thị xã Phan Thiết ngày nào khiến tôi nhớ da diết những tháng mùa đông cuối năm của một thời nghèo khó. Tôi không thể nào quên hình ảnh người cha miệt mài lựa chọn những cây củi thẳng, khô và đặc biệt là chọn loại gỗ giữ lửa được lâu, ít khói, gom lại thành từng đóng đem xe bò tới để chở về. Vào những ngày cuối năm, cỏ rừng đã khô héo, có nơi bị cháy rụi; trâu bò chỉ ăn những nắm rơm khô được chủ mang theo và uống nước đục bên bờ suối còn sót lại để có sức kéo xe củi về nhà.
Cuộc sống đổi thay, từ thành phố đến làng quê nhà nhà đã thay bếp củi bằng bếp gas, bếp điện, nồi áp suất, nồi cơm điện, ấm siêu tốc, lò vi sóng… Bây giờ, mặc dù anh em chúng tôi đã sắm cho mẹ một cái bếp gas, nồi cơm điện nhưng mẹ vẫn giữ nguyên cái bếp với 3 ông táo đun bằng củi. Mẹ lượm những tàu dừa khô, chẻ nhỏ nấu nước, nấu thuốc; đôi lúc kho cá, nấu cơm mỗi khi cần thiết. Mẹ thường nói với các con rằng: “Mỗi lần ngồi bên 3 ông táo nhóm củi, mẹ lại thấy hình ảnh của ngoại và người chồng thân yêu của mình trong ánh lửa bập bùng; rồi một mình nước mắt tuôn chảy, không biết do khói cay mắt hay lòng nhớ người thân”. Những đợt về quê thăm nhà, ngồi bên mẹ tôi lại thích mùi khói từ chái bếp mẹ đun nước phát ra. Ngọn lửa cháy từ củi đượm nồng. Ngọn lửa tình thương của ngoại, của mẹ, của ba đã từng nuôi anh em tôi khôn lớn nên người vẫn còn cháy cả miền ký ức và theo tôi gần như trọn cuộc đời này.