Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số vừa có yêu cầu Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ chuyển đổi số, ưu tiên nguồn lực, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số đã đề ra với tinh thần đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm phải có sản phẩm, hiệu quả cụ thể.
Thời gian qua, chuyển đổi số đã trở thành phong trào, xu thế, là yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược. Theo đó, công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, địa phương đã có kinh nghiệm hơn, bám sát thực tiễn hơn, hiệu quả hơn. Công tác tổ chức thực hiện từ Trung ương đến cơ sở được triển khai đồng bộ, tích cực hơn. Kết quả mang lại thiết thực hơn, tích cực hơn. Từ đó, người dân, doanh nghiệp ủng hộ, đồng hành, tham gia tích cực hơn. Phải khẳng định rằng, chuyển đổi số đã đến “từng ngõ, từng nhà, từng người”. Niềm tin của các cấp, các ngành, các địa phương, người dân và doanh nghiệp được củng cố và nâng lên, góp phần truyền cảm hứng và tạo động lực phát triển mới. Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Xác định chuyển đổi số là xu thế và yêu cầu tất yếu khách quan, tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã xây dựng và phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bình Thuận, phiên bản 1.0 đảm bảo yêu cầu, đồng bộ theo tinh thần hướng dẫn Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông. Xây dựng và đưa vào hoạt động Trục kết nối liên thông, chia sẻ, trao đổi dữ liệu quy mô cấp tỉnh_ESB (dự án thành phần Khung Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh) theo hình thức thuê dịch vụ nhằm triển khai kết nối liên thông và tích hợp dữ liệu 2 hệ thống. Đối với việc xử lý hồ sơ trên môi trường mạng, tỉnh đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành, gắn với ứng dụng chữ ký số, đến nay hầu hết các văn bản trên địa bàn tỉnh đều tiếp nhận, chuyển xử lý, xem xét phê duyệt và phát hành được xử lý khép kín trên môi trường mạng (trừ văn bản mật). Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh còn triển khai phần mềm ảo hóa và điện toán đám mây theo công nghệ mã nguồn mở để quản lý và tối ưu hóa hạ tầng máy chủ và thiết bị mạng… Để đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy còn ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh về mục tiêu chung đó là chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, trọng tâm là phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đổi mới căn bản, toàn diện về phương pháp, cách thức hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị, quản trị nhà nước, doanh nghiệp và phương thức sống, làm việc của người dân thông qua chuyển đổi số. Phát triển kinh tế số góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh cao hơn. Bên cạnh đó cũng xác định các mục tiêu đó là: trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, phấn đấu đạt 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đến năm 2030, phấn đấu 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Đến năm 2025 tỉnh ta phấn đấu đạt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%, tỷ lệ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng nền tảng chuyển đổi số đạt 75%. Đến năm 2030, phấn đấu kinh tế số chiếm 30% GRDP của tỉnh, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%, tỷ lệ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng nền tảng chuyển đổi số đạt 90%. Mục tiêu còn đặt ra đến năm 2025, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ tới 80% hộ gia đình, trường học, bệnh viện, tỷ lệ phổ cập dịch vụ mạng băng rộng di động 4G/5G đạt 100%, tỷ lệ dân số từ 18 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán điện tử đạt 50%, tỷ lệ dân số có danh tính số đạt 100%, tỷ lệ người dân từ 14 tuổi trở lên có khả năng sử dụng các kỹ năng số cơ bản đạt 70%. Đến năm 2030, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ tới 100% hộ gia đình, trường học, bệnh viện, tỷ lệ phổ cập dịch vụ mạng băng rộng di động 4G/5G đạt 100%, tỷ lệ dân số từ 18 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%, tỷ lệ người dân từ 14 tuổi trở lên có khả năng sử dụng các kỹ năng số cơ bản đạt 90%.
Sự phát triển của cách mạng 4.0 đang có nhiều tác động lớn tới sự phát triển kinh tế – xã hội và chuyển đổi số là một xu thế tất yếu nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nền kinh tế, vì thế nhận thức đúng vai trò của chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay là một vấn đề quan trọng nên việc xác định các mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 là một điều cần thiết, phù hợp, làm cơ sở để thực hiện nhanh chóng, hiệu quả chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực của tỉnh ta hiện nay. Để đạt mục tiêu đã đề ra, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách gắn với phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số. Huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Đồng thời đẩy mạnh phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và các lĩnh vực ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong quá trình chuyển đổi số.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/chuyen-doi-so-da-den-tung-ngo-go-tung-nha-tung-nguoi-120378.html