Theo kế hoạch của UBND tỉnh, trong năm 2023 Bình Thuận sẽ thực hiện 10 dự án quan trọng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội (KT -XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình). Một trong những mục tiêu quan trọng là tiếp tục đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển KT -XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)…
Thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập
Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện có 34 thành phần DTTS, với trên 104.000 người, chiếm hơn 8% dân số của tỉnh. Theo đánh giá của UBND tỉnh, những năm gần đây nhờ sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành, địa phương nên sản xuất vùng đồng bào dân tộc phát triển khá, năng suất tăng.
Hàng năm, tỉnh đã dành nguồn vốn ngân sách đáng kể để giải quyết đất sản xuất, giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, đầu tư kết cấu hạ tầng. Các chương trình dự án, chính sách vùng đồng bào dân tộc đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai thực hiện khá tốt. Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS của tỉnh không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở vùng DTTS và miền núi của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, cần được tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ.
Theo đó, trong kế hoạch thực hiện Chương trình của UBND tỉnh vào ngày 20/7/2023, đã nhấn mạnh mục tiêu là khai thác nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất nông nghiệp, gắn sản xuất, trồng trọt với đẩy hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập, giảm nghèo bền vững. Phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, đầu tư các thiết bị văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào DTTS so với bình quân chung của cả nước.
Đặc biệt trong năm 2023, tỉnh sẽ thực hiện 10 dự án quan trọng liên quan đến phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đó là dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Trong đó, hỗ trợ đất ở, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt. Dự án 2 về quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. Nhất là thực hiện đầu tư các dự án ổn định dân cư tại huyện Hàm Thuận Bắc và huyện Tánh Linh. Dự án 3 về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Ở dự án này, bao gồm 2 tiểu dự án là phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân. Song song, hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp… cho các hộ đồng bào sản xuất theo chuỗi giá trị; thực hiện mô hình hỗ trợ bò sinh sản cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số…
Nâng cao đời sống tinh thần
Bên cạnh phát triển kinh tế, Chương trình còn chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc (dự án 4). Bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Dự án 5 về phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ở dự án này tỉnh sẽ tập trung đổi mới hoạt động; củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS; bồi dưỡng kiến thức dân tộc…
Ngoài ra, dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch. Tỉnh sẽ thực hiện các nội dung như bảo tồn lễ hội truyền thống tại các địa phương, khai thác xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch. Tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể. Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể các DTTS có nguy cơ mai một. Xây dựng mô hình văn hóa truyền thống các DTTS và miền núi…
Song song, các dự án về chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Thực hiện tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em… Song song, đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn.
Trong đó, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Cùng với đó là truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình. Gồm các nội dung biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào… Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh trật tự… Một trong những mục tiêu quan trọng đặt ra là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi trong thời gian tới.
Thực hiện Chương trình này, UBND tỉnh đã giao Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương tham mưu, đôn đốc, hướng dẫn tổ chức triển khai và đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình.