Với đà phát triển và tăng trưởng của doanh nghiệp cùng với kết quả cải cách hành chính trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh bước đầu đã tạo sự thông thoáng môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp, thể hiện sự nhất quán, đồng bộ các giải pháp để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh.
Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh
Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào Bình Thuận, những năm gần đây, hạ tầng kỹ thuật viễn thông trên địa bàn tỉnh được tập trung đầu tư phát triển, vùng phủ sóng di động, mạng điện thoại cố định, dịch vụ truy cập Internet ADSL được mở rộng, chất lượng được cải thiện tốt hơn, đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tỉnh cũng đã tập trung giải quyết khó khăn của doanh nghiệp trong các lĩnh vực bồi thường giải tỏa, tái định cư, quy hoạch xây dựng, giao đất, cho thuê đất, đăng ký kinh doanh và tập trung nhiều công sức thực hiện quyết liệt cải cách hành chính phục vụ doanh nghiệp coi đây là khâu đột phá để hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tỉnh cũng xác định phát triển công nghiệp là một trong ba trụ cột kinh tế của tỉnh đến năm 2025.
Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp, tỉnh cũng đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút các doanh nghiệp, các công ty lớn. Thực tế, tỉnh đã đề ra các giải pháp điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển nền kinh tế – xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Chính vì thế, đến thời điểm hiện nay có khoảng 16.000 tỷ đồng đã đầu tư vào các khu công nghiệp, đã có 9 khu công nghiệp được Chính phủ phê duyệt với diện tích 3.048 ha. Trong đó có 6 khu công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, 3 khu công nghiệp còn lại với quy mô 1.910 ha đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Hiện các khu công nghiệp đã thu hút được 86 dự án đầu tư thứ cấp còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 16.000 tỷ đồng và hơn 700 triệu USD diện tích đất công nghiệp cho thuê là 270,9 ha, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp đã đầu tư xây dựng 37%, trong đó có 66 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh… Các khu công nghiệp đã có đóng góp lớn cho tăng trưởng của tỉnh trong thời gian vừa qua.
Thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh
Mục tiêu của tỉnh đặt ra đến năm 2025 sẽ đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng 6 khu công nghiệp hiện có, đầu tư trên 70% khối lượng hạ tầng Khu công nghiệp Tân Đức, Sơn Mỹ 1, Khu công nghiệp Dịch vụ – Đô thị Hàm Tân – La Gi (giai đoạn 1). Qua đó thu hút đầu tư lấp đầy 100% diện tích đất cho thuê ở Khu công nghiệp Phan Thiết 2; 78% diện tích đất cho thuê ở các khu công nghiệp Hàm Kiệm 1, khu công nghiệp Hàm Kiệm 2 và đạt trên 30% diện tích đất cho thuê ở các khu công nghiệp Tân Đức, Tuy Phong, Sông Bình, Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2. Đến năm 2030 đầu tư hoàn chỉnh đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp hiện có. Thành lập một số khu công nghiệp công nghệ cao. Trên cơ sở đó tỉnh sẽ có phương án sắp xếp lại ngành nghề một số khu công nghiệp theo hướng chuyên ngành, định hướng sản phẩm công nghệ cao, ngành nghề không ô nhiễm có chọn lọc, nhằm tạo điều kiện và môi trường đầu tư hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước…
Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh đã tháo gỡ được nút thắt về giao thông mở ra những cơ hội mới, kết nối Bình Thuận với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển bền vững và thu hút các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài ở các lĩnh vực tiềm năng, lợi thế của tỉnh như du lịch, năng lượng tái tạo, nông nghiệp xanh, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội cho tỉnh. Bên cạnh đó tỉnh đã làm tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là khâu thực thi các thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan… Chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các sở, ngành và các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách các chính sách theo hướng thân thiện với doanh nghiệp, nâng cao năng lực giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động phương thức xúc tiến đầu tư, thúc đẩy các hoạt động kết nối đầu tư online. Với tiềm năng, lợi thế của tỉnh về đất đai, tài nguyên khoáng sản, nông – lâm – thủy sản, nguồn lao động dồi dào, hạ tầng kết nối giao thông được đầu tư cơ bản, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, thời gian tới tỉnh sẽ thu hút được nhiều dự án đầu tư mới, sớm lấp đầy các khu công nghiệp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh, là điểm đến của các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.