Cách đây 10 năm, Bộ Chính trị khóa XI ban hành Quyết định số 218 về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN), các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đây là chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh. Thực hiện Quyết định trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả tích cực…
Bám sát quy định, hướng dẫn
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, qua 10 năm triển khai thực hiện Quyết định số 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Quy định về việc MTTQVN, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (sau đây gọi tắt là Quyết định số 218); cấp tỉnh và các địa phương, đơn vị đã bám sát các quy định, hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để triển khai thực hiện khá đầy đủ, nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả tích cực. Nổi rõ đối với góp ý xây dựng Đảng, MTTQVN tỉnh và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp chủ động thực hiện góp ý định kỳ, thường xuyên, đột xuất đối với tổ chức Đảng, đảng viên một cách linh hoạt, phù hợp. Trong đó, tập trung tham gia góp ý đối với cấp ủy, tổ chức đảng các nội dung trọng tâm như: Dự thảo văn kiện đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 – 2020, nhiệm kỳ 2020 – 2025; dự thảo một số nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định, kết luận; việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…
Về góp ý xây dựng chính quyền, MTTQVN tỉnh và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp chủ động thực hiện góp ý định kỳ, thường xuyên, đột xuất đối với tổ chức, cơ quan và cá nhân đảm bảo theo quy định. Theo đó, thực hiện góp ý xây dựng cơ quan, tổ chức tập trung vào các nội dung: Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; việc thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND và các văn bản quy phạm pháp luật; việc thực hiện cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện dân chủ ở cơ sở; công tác tiếp dân và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân…
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 11 về đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân theo Quyết định số 218 của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh. Qua 10 năm thực hiện, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức trên 1.000 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương với nhân dân. Đối với cấp tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức 5 cuộc đối thoại với nhân dân các địa phương. Thông qua đối thoại, các cấp ủy, chính quyền đã nắm bắt tình hình, giải thích, giải quyết kịp thời những tâm tư nguyện vọng, những vấn đề còn vướng mắc, bức xúc trong nhân dân. Qua tổng hợp, đến nay đã có gần 7.900 ý kiến tiếp thu tại các buổi đối thoại đã được giải quyết, đạt tỷ lệ 94%…
Nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên
Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự báo trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng sẽ có nhiều tác động đến tư tưởng, tình cảm, đời sống của nhân dân; phát sinh nhiều vấn đề tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh và lợi ích của người dân. Trong đó, đáng chú ý cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, phương tiện thông tin, mạng xã hội tác động ngày càng đa dạng, đa chiều… sẽ có nhiều yếu tố tác động đến việc các tổ chức, cá nhân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với việc thực hiện Quyết định số 218 của Bộ chính trị tại địa phương, đơn vị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp tăng cường phối hợp, tạo điều kiện để MTTQVN, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Chú trọng công tác phối hợp trong góp ý, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Tăng cường công tác đối thoại trực tiếp với nhân dân, thực hiện nghiêm túc việc tiếp thu, giải trình, giải quyết những kiến nghị, phản ánh của MTTQVN và các tổ chức chính trị – xã hội theo quy định.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu MTTQVN tỉnh và các tổ chức chính trị – xã hội tập trung thực hiện các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Phát huy đúng mức vai trò vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền có chất lượng; nâng cao chất lượng góp ý tổ chức, cá nhân vào cuối năm theo quy định. Đồng thời, tham mưu, phối hợp tổ chức tốt đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, phối hợp tổ chức hội nghị nhân dân góp ý xây dựng chính quyền cơ sở hàng năm…
10 năm qua, toàn tỉnh có 3.361 lần góp ý với tổ chức đảng, 26.908 lần góp ý đối với đảng viên; 4.566 lần góp ý với cơ quan, tổ chức, 3.548 lần góp ý đối với cá nhân; 100% ý kiến góp ý đều được các cấp ủy, chính quyền tiếp thu, lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức 1.017 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương với nhân dân, trong đó cấp tỉnh 5 cuộc, cấp huyện 119 cuộc và cấp xã 893 cuộc…