BTO-Nông dân huyện Tánh Linh không còn phải nơm nớp lo việc chống hạn như những năm về trước. Giờ đây, hệ thống kênh mương thủy lợi phủ khắp cánh đồng với nguồn nước ổn định. Thương hiệu Gạo Tánh Linh đã nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Kết quả hôm nay là công sức của cả hệ thống chính trị trên một chặng đường dài, bắt đầu từ Chỉ thị 15 ngày 31/3/2003 của Huyện ủy Tánh Linh về tập trung xây dựng và phát triển thủy lợi gắn với giao thông nội đồng trên địa bàn huyện.
Bài 1: Đi tìm lời giải
Muốn nông nghiệp, mà trọng tâm là cây lúa phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế cao trước hết phải giải được bài toán nước phục vụ cho sản xuất. Có tư liệu sản xuất nhưng thiếu nước, đời sống của người dân vẫn cơ cực. Hành trình lo nước cho dân đã được các thế hệ lãnh đạo huyện Tánh Linh đặc biệt quan tâm.
Bước ngoặt mở lối
Năm 1983, huyện Tánh Linh được tái lập theo Quyết định số 204 ngày 30/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng sau khi tách ra từ huyện Đức Linh. Sau khi được tái lập, Tánh Linh đã nhanh chóng bắt tay phát triển kinh tế – xã hội và ổn định đời sống nhân dân. Thế nhưng lúc bấy giờ, sản xuất nông nghiệp ở Tánh Linh còn lạc hậu, manh mún, nông dân chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống, phụ thuộc vào nước trời, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa nhiều, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai lũ lụt thường xảy ra nên năng suất, sản lượng đạt thấp. Trong bối cảnh khó khăn bộn bề đòi hỏi phải cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ cấp bách đã đặt ra thách thức không hề nhỏ. Những chuyến thăm, làm việc của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đã gợi mở, vạch ra chiến lược, định hướng phát triển địa phương cả trước mắt và lâu dài. Mục tiêu ưu tiên hàng đầu là phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng và lợi thế của địa phương, từng bước xóa đói, giảm nghèo, lạc hậu.
Năm 2003, Chỉ thị số 15 của Huyện ủy Tánh Linh về phát triển thủy lợi gắn với giao thông nội đồng ra đời. Đây được xem là một bước ngoặt đặc biệt quan trọng đã mở lối cho nông nghiệp và nông thôn ở Tánh Linh phát triển. Nhớ lại thời điểm lúc bấy giờ, ông Nguyễn Hữu Trí – Nguyên Bí thư Huyện ủy Tánh Linh, nhiệm kỳ (2000 – 2005) chia sẻ: Thời điểm năm 2003, ông là Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện. Lúc này, sản xuất nông nghiệp của địa phương chủ yếu nhờ vào các đập tự chảy nên không khai thác hết diện tích đất sản xuất, mùa vụ và hiệu quả của các loại cây trồng. Vì vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy rất quyết tâm làm thế nào đó để vực dậy nền nông nghiệp của huyện nhà. Sau khi bàn bạc, tính toán kỹ lưỡng và được Tỉnh thống nhất chủ trương làm kênh mương thủy lợi gắn với giao thông nội đồng. Tập thể lãnh đạo huyện, các ngành, địa phương tập trung khảo sát, kiểm tra thực tế; tổ chức họp dân lấy ý kiến, bàn bạc phương thức thực hiện và đặc biệt bà con nông dân đồng thuận rất cao. “Quá trình triển khai xây dựng hệ thống thủy lợi gắn với giao thông nội đồng, làm đến đâu người dân quan tâm, ủng hộ tạo điều kiện thuận lợi đến đó. Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng hiệu quả đem lại rất cao”, ông Trí nói.
Cũng theo ông Trí, lúc này diện tích sản xuất tăng lên khoảng 1,5 lần; từ một vụ bấp bênh tăng lên 2 – 3 vụ; thu nhập của người dân tăng lên đáng kể; nhân dân rất phấn khởi. Tiếp đó, Huyện ủy cũng đã có Chương trình hành động về tiếp tục hoàn chỉnh kiên cố hóa hệ thống kênh mương thủy lợi gắn với giao thông nội đồng đến năm 2015. Cùng với đó là sự hỗ trợ từ phía Trung ương. Năm 2010 công trình thủy lợi Tà Pao được khởi công xây dựng, nhờ vậy, đến nay hệ thống thủy lợi đã bao phủ và kết nối với các hồ đập trong toàn huyện như Biển Lạc, kênh tiếp nước Biển Lạc – Hàm Tân và 7 đập dâng nhỏ, 9 trạm bơm điện đặt dọc theo sông La Ngà, khai thác toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp trong toàn huyện, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Vùng trọng điểm lương thực của tỉnh
Đến với Tánh Linh hôm nay, ấn tượng bởi hệ thống kênh mương thủy lợi được đầu tư xây dựng bài bản. Có nước, đời sống sản xuất đi vào ổn định. Những vùng đất cằn cỗi như được hồi sinh và được phủ xanh các loại cây cối, hoa màu. Theo UBND huyện Tánh Linh, nếu như tổng diện tích gieo trồng năm 1983 chỉ gần 9.400 ha thì đến năm 2022 tăng lên trên 63.000 ha. Năm 1983 tổng sản lượng lương thực 19.600 tấn, thì năm 2022 trên 194.000 tấn. Từ một huyện hàng năm phải trợ cấp lương thực, Tánh Linh vươn lên là vùng trọng điểm lương thực của tỉnh. Hàng năm sản xuất ra trên 1.000 tấn gạo cung cấp nhu cầu lương thực trong và ngoài tỉnh.
Để nâng cao mặt hàng lúa gạo của Tánh Linh, trong những năm qua huyện tập trung thực hiện các mô hình như xây dựng cánh đồng lớn được hơn 3.000 ha, triển khai và thực hiện vùng lúa chất lượng cao đạt gần 1.800 ha, chiếm 50% trên cánh đồng lớn, tạo điều kiện để mở rộng diện tích liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hàng năm, trên diện tích này, huyện đã hỗ trợ giá phân hữu cơ vi sinh để vừa cải tạo đất, vừa giúp nông dân chuyển dần sang sản xuất theo hướng hữu cơ. Nhờ vậy, có trên 2.700 ha được sản xuất theo hướng hữu cơ, trong đó có 50 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có gắn nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh”, với sản lượng khoảng 100 tấn/năm; được tỉnh công nhận 2 sản phẩm OCOP gạo đạt 3 sao (ST24 và OM18), thu nhập tăng từ 1,5 đến 2 lần so với sản xuất lúa thương phẩm bình thường.
Sau khi có Chỉ thị 15, toàn huyện đã làm được 7 đập tự chảy, 9 trạm bơm điện, đưa tổng năng lực tưới lên trên 7.000 ha/vụ. Cá biệt có những trạm bơm điện phát huy hiệu quả vượt năng lực thiết kế, như trạm bơm Gia An thiết kế tưới cho khoảng 400 ha, nhưng thực tế đã đảm bảo tưới cho hơn 585 ha đất canh tác, trạm bơm La Ngâu thiết kế 275 ha, nhưng đã đảm bảo tưới 330 ha.