Gìn giữ cội nguồn
Thanh Pháp – chàng ca sĩ sinh năm 1985, dù bây giờ với vai trò mới – Phó trưởng Phòng, phụ trách Phòng nghệ thuật biểu diễn Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh Bình Thuận. Là người con của cộng đồng người Chăm Bàni ở xã Phan Thanh (Bắc Bình), luôn phấn đấu với những khát khao cho riêng mình, bảo vệ, đóng góp cho sự phát triển của văn hóa Chăm truyền thống. Chàng trai ấy có một ước mơ, đưa âm nhạc Chăm tiệm cận hơn với công chúng bằng sự kết hợp mới mẻ, tinh tươm.
Năm 2006, Thanh Pháp khởi nghiệp vai trò ca sĩ sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm âm nhạc (Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh). Được đánh giá là một giọng hát đầy nội lực với kỹ thuật tốt, nhưng Thanh Pháp tự nhận: “Em không có duyên với nghiệp diễn, thay vào đó có một khoảng thời gian em suy sụp tinh thần vì lý do khách quan phải mấy năm sau mới lấy lại được”. Thanh Pháp bắt đầu có những hoạch định, tập viết nhạc, viết về những trăn trở của chính mình, với dòng nhạc dân gian vì: “Em muốn lưu giữ những giá trị truyền thống. Âm nhạc dân tộc, nét văn hóa truyền thống sẽ là giá trị trường tồn, cần phải phát huy và người trẻ phải biết gìn giữ” – Thanh Pháp chia sẻ.
3 năm qua, Thanh Pháp trực tiếp quản lý, tham gia dàn dựng, sáng tác, hòa âm phối khí các chương trình nghệ thuật biểu diễn thực hiện nhiệm vụ chính trị phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong và ngoài tỉnh. “Là đảng viên, tôi luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với việc xây dựng hệ thống chính trị trong đơn vị và nêu cao tinh thần phê và tự phê, tại nơi cư trú. Trong một năm công tác tôi đã cùng với đồng nghiệp xây dựng, sửa chữa và dàn dựng nhiều chương trình cho đơn vị, thực hiện nhiều yêu cầu điều động đột xuất của lãnh đạo cấp trên” – Thanh Pháp chia sẻ.
Thật sự là người còn khá trẻ, nên chắc chắn những ai đã từng nghe những ca khúc do chính Thanh Pháp viết, những bản hòa âm của sự sáng tạo, mang đến chương trình biểu diễn của đơn vị luôn mới lạ, không chỉ đáp ứng nhiều loại nhu cầu của nhiều đối tượng công chúng mà còn đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chính trị và yêu cầu của các đối tác hợp đồng biểu diễn. Đồng thời Thanh Pháp đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ khi UBND tỉnh và Sở VHTT&DL điều động đột xuất.
Người làm “mới” truyền thống
Là người trẻ, được đào tạo bài bản nên dễ dàng nhận những tư duy luôn luôn sáng tạo, thay đổi mà vẫn bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành và đơn vị. Thanh Pháp đã tham gia dàn dựng, sáng tác, biểu diễn nhiều chương trình nghệ thuật, như kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận, tham gia Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2021, Liên hoan âm nhạc ASEAN năm 2022, khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận – Hội tụ xanh”… Thanh Pháp còn là người “chuyên chở” âm nhạc truyền thống tham gia nhiều chương trình mang tầm quốc gia do Bộ VHTT&DL tổ chức, phục vụ lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại thủ đô Hà Nội. Điều đáng trân trọng ở Thanh Pháp, chính là người luôn sáng tạo trong nghệ thuật trong âm nhạc Chăm. Có những đêm gần như thức trắng, để ấp ủ cho ca khúc “Giọt tháp” ra đời. Và tấm huy chương vàng cho ca khúc “Giọt tháp” là món quà tinh thần vô giá cho những đam mê và ấp ủ. “Lần đầu tiên mang ca khúc mới trình diễn thành công, đó là sự đóng góp của cả tập thể trong dàn dựng mới phát huy hết hiệu quả, mang đến cảm xúc cho người thưởng thức” – Thanh Pháp bộc bạch. “Đây là ca khúc mang âm hưởng dân gian nhưng lạ, mang hơi thở hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa Chăm trong giai điệu, ca từ” – NSND Ngọc Khôi đánh giá về những ca khúc Pháp viết như thế.
Sinh ra và lớn lên trong cộng đồng Chăm ở xã Phan Thanh, hơn ai hết Thanh Pháp hiểu rõ hơn những giá trị văn hóa của dân tộc mình từ đó tích cực khai thác vốn nghệ thuật dân gian của các dân tộc trong tỉnh để sáng tạo nên nhiều giá trị văn hóa mới. Với Thanh Pháp tiếp thu phải có chọn lọc những tinh hoa nghệ thuật của các dân tộc anh em trong nước, tận dụng tối đa các loại hình nghệ thuật khác làm cho chương trình biểu diễn phong phú về nội dung và hình thức.
Thanh Pháp còn mạnh dạn “vận dụng các làn điệu dân ca nguyên gốc của 3 dân tộc Chăm, K’ho, Rai để phát triển theo hình thức Acapalaca” hay đưa ra giải pháp “Nâng cao công tác phối hợp triển khai tập luyện chuyên môn giữa 2 đoàn nghệ thuật biểu diễn trong sử dụng công nghệ âm nhạc để thực hiện việc phối bè và dàn dựng ca khúc trên phần mềm Protools kết hợp với phần mềm Finale nhằm hạn chế tập luyện đông người trong phòng tập, giúp diễn viên cảm thụ nhanh trong tập luyện, đáp ứng các chương trình của Nhà hát, nhất là tập trung đông người nâng cao chất lượng nghệ thuật trong chương trình biểu diễn chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận”.
Dù là người từng viết hơn 60 ca khúc, hơn một nửa là âm nhạc dân tộc, có những ca khúc đạt nhiều giải thưởng nhưng Thanh Pháp vẫn khiêm nhường. “Được Bộ VHTT&DL tặng bằng khen là một vinh dự lớn lao, nhưng để có được thành quả này, là nhờ vào sự tin tưởng và quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo đơn vị và sự ủng hộ, phối hợp nhiệt tình của các bộ phận trong nhà hát. Em là người luôn mong muốn “biến không thành có, biến khó thành dễ”, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về những việc làm của mình đối với công việc có lợi cho tổ chức và tập thể” – Thanh Pháp bộc bạch.
Chính những nỗ lực ấy đã giúp cho Thanh Pháp là 1 trong 78 gương điển hình tiên tiến về lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023, được vinh danh tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (TP. Hà Nội). Thanh Pháp là chàng trai người Chăm duy nhất của Bình Thuận vinh dự được vinh danh lần này.
Thành tích cá nhân:
– 2 huy chương vàng “Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc 2021” tại TP. Hải Phòng.
– 2 huy chương bạc “Liên hoan âm nhạc Asean 2022” tại TP. Hội An – Quảng Nam.
Cùng với các danh hiệu thi đua:
– Năm 2021 – 2022 là viên chức, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
– Năm 2021, đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.
– Bằng khen Chủ tịch UBND tỉnh 2022 đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước từ năm 2021.
– Bằng khen Chủ tịch UBND tỉnh 2022 đạt thành tích xuất sắc tại Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2021.