Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư giữ vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, địa phương. Để “trải thảm” thu hút, mời gọi đầu tư, các địa phương luôn cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng và đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Xúc tiến, kêu gọi đầu tư là một trong những nhiệm vụ quan trọng để tiếp cận và thu hút thành công nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư của đất nước và địa phương. Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển và cạnh tranh gay gắt giữa các địa phương và khu vực, trong xu thế đó tỉnh Bình Thuận xác định đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư là bước đột phá nhằm thu hút các nguồn lực, tạo đà cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025 và trong giai đoạn mới.
Một tin vui, vào những ngày cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1701/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thêm vào đó, cao tốc cơ bản đã thông 2 tuyến cùng với cảng biển Vĩnh Tân và sân bay Phan Thiết đang xây dựng sẽ tạo “đường băng” cho nhà đầu tư, doanh nghiệp “đáp” về với Bình Thuận thuận lợi hơn.
Song, vấn đề đặt ra là Bình Thuận sẽ trực tiếp tìm kiếm những nhà đầu tư chất lượng, mở rộng năng lực hấp thụ dự án bằng cơ chế, chính sách hợp lý hoặc hợp tác doanh nghiệp, các nhà đầu tư lớn để mời gọi, thu hút đầu tư. Nếu tỉnh không nhanh chóng, rốt ráo thực hiện việc xây dựng kế hoạch, không thay đổi tư duy vì lợi ích của tỉnh và các huyện, thì sẽ bị “lỡ nhịp” cả một giai đoạn, chứ không phải chỉ là 1 hay 2 năm trước mắt, và do vậy, không còn “đường lui” cho một sự đổi mới tư duy quản lý, điều hành kinh tế, như Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đề cập: Năm 2024, và giai đoạn tiếp theo, để tận dụng được thời cơ, đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển quê hương, Bình Thuận sẽ phải thay đổi tư duy và phương thức tiếp cận, chuyển “trạng thái” từ chỗ “chờ” nhà đầu tư, doanh nghiệp đến “xin” để “cho”, sang “săn đón”, “trải thảm”, mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp có năng lực, uy tín, tâm huyết đến với tỉnh nhà. Bình Thuận cam kết, quá trình thực hiện thu hút, kêu gọi đầu tư sẽ luôn lắng nghe, nắm bắt kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo môi trường cạnh tranh thông thoáng, bình đẳng giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp và thành phần kinh tế.
Muốn vậy, việc lựa chọn nhà đầu tư, xây dựng danh mục dự án đầu tư phải thực tế, phù hợp với quy hoạch và yêu cầu phát triển của tỉnh và các huyện. Tìm kiếm và xúc tiến “cho được” các nhà đầu tư chiến lược. Nhiệm vụ thu hút đầu tư sẽ phải được đặt lên vị trí xứng đáng, quyết định cho tầm phát triển quê hương Bình Thuận từng giai đoạn và trong tương lai. Về định hướng, tỉnh cần xác định đầu tư phát triển vùng ven biển trở thành chuỗi đô thị, trung tâm dịch vụ, du lịch, phát triển công nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử; phục hồi hệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu; điểm nhấn là đưa 3 trụ cột kinh tế của tỉnh giữ vai trò chủ lực trong nền kinh tế.
Thực tế thời gian qua cho thấy có dự án, nhà đầu tư tìm hiểu, thực hiện thủ tục nhưng đến nay vẫn chưa thể khởi công. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là vấn đề tham mưu, phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương chưa đồng bộ. Trong từng sở, ngành, địa phương mỗi lần cử cán bộ đi họp lại có ý kiến khác nhau liên quan đến cùng một vấn đề. Điều này khiến việc thẩm định dự án kéo dài, làm “nản lòng” nhà đầu tư. Do vậy, trước mắt có thể chấp nhận trong giai đoạn này, việc thực hiện “bị” chậm một chút nhưng phải quyết tâm làm đồng bộ. Đầu tiên là phải xây dựng được quy trình thẩm định rõ ràng, thể hiện rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, địa phương. Làm đồng bộ như vậy, Sở KH-ĐT mới có thể tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư đúng, kịp thời. Khi đã có chủ trương đầu tư dự án, theo quy định thì nhà đầu tư “thỏa thuận” với người dân để có mặt bằng sạch, nhưng trước đó, việc của các sở, ngành là phải thống nhất với chính quyền địa phương, xem thử vị trí đó có thuận lợi trong việc giải phóng mặt bằng hay không. Tránh tình trạng đã cấp chủ trương đầu tư nhưng chỉ sau một thời gian tỉnh lại phải điều chỉnh, thậm chí điều chỉnh vì “vướng” vấn đề này, vấn đề khác.
Bình Thuận thiếu nguồn lực, cần thu hút vốn đầu tư, do vậy, nếu không dám “mở” ra cơ chế, sợ ưu đãi cho nhà đầu tư, sợ chịu rủi ro… tư duy đó cần phải được nhìn nhận lại. Mặt khác để có thể tháo gỡ “điểm nghẽn” này, yếu tố con người là quan trọng và quyết định. Chúng ta đã nói, bàn về tình trạng cán bộ, công chức, viên chức còn đùn đẩy trách nhiệm qua lại giữa các cơ quan chức năng, khiến nhà đầu tư đi lại không ít lần, mất thời gian khi làm thủ tục hành chính. Phải “mạnh dạn” đổi mới, và năm 2024 tỉnh Bình Thuận chọn chủ đề hành động: “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp”, tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; giáo dục, kiểm tra nâng cao đạo đức của công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhất là bộ phận tiếp xúc nhà đầu tư, doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng nhằm quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người, tiềm năng, thế mạnh phát triển của tỉnh. Đồng thời thúc đẩy tiến trình công khai, minh bạch, thông suốt từ giai đoạn xúc tiến, mời gọi đầu tư, hỗ trợ cung cấp thông tin, lập hồ sơ dự án, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đến khâu tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký đầu tư, thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường… rút ngắn thời gian giải quyết, qua đó thu hút được nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến tìm hiểu và đầu tư tại Bình Thuận.
Đổi mới tư duy, nỗ lực, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong bối cảnh khó khăn hiện nay, là bước tạo đà và sẽ mở ra triển vọng nhằm cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và hướng đến theo quy hoạch tỉnh Bình Thuận 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.