Tình hình kinh tế – chính trị thế giới năm 2023 nhiều diễn biến phức tạp, bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp, hàng rào bảo hộ gia tăng, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, nên tình hình xuất nhập khẩu khó khăn.
Bên cạnh đó, các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm khiến khối lượng tổng cầu suy giảm, các hợp đồng xuất khẩu giảm mạnh đã tác động đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng.
Xuất khẩu khó khăn, tiếp tục nhập siêu
Theo báo cáo của Cục Thống kê Bình Thuận, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh trị giá 714,44 triệu USD, giảm 8,59% so với năm 2022. Trong đó: Nhóm hàng thủy sản 214,77 triệu USD, giảm 14,13% so với năm 2022; nhóm hàng nông sản 14,25 triệu USD, tăng 9,86%; nhóm hàng hóa khác 485,42 triệu USD, giảm 6,37%. Bên cạnh nhóm hàng thủy sản và hàng hóa khác giảm so với cùng kỳ do nhu cầu tiêu thụ của thị trường nước ngoài giảm, thì nhóm hàng nông sản tăng trưởng khá nhưng chiếm tỷ trọng không cao trong tổng kim ngạch nên tác động không đáng kể đến tốc độ tăng trưởng chung của tổng kim ngạch, trong đó cao su tăng gần gấp 3 lần (do cùng kỳ năm 2022 mặt hàng này không có đơn hàng). Các nhóm hàng dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ do không có đơn hàng nên kim ngạch giảm so với cùng kỳ. Nhóm hàng dệt may và da giày có đơn hàng xuất khẩu tăng trở lại ở 2 tháng cuối năm.
Tính ở lĩnh vực xuất khẩu trực tiếp, năm 2023 xuất khẩu đạt 703,92 triệu USD, giảm 9,1% so với năm 2022. Trong đó: Thị trường châu Á đạt 515,9 triệu USD, tăng 2,6% so với năm 2022; thị trường châu Âu đạt 46,46 triệu USD, giảm 46,23%; thị trường châu Mỹ đạt 136,75 triệu USD, giảm 26%; thị trường châu Đại Dương và châu Phi đạt 8,79 triệu USD chiếm tỷ trọng không đáng kể. Một số sản phẩm xuất khẩu chủ yếu như tôm thẻ chân trắng (xuất đi Mỹ, Nhật, Đức, Anh), mực tươi đông lạnh (xuất đi Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ), thủy sản khác các loại (xuất đi Nhật Bản, Colombia, Mỹ, Đan Mạch), các loại quặng (xuất chủ yếu đi Trung Quốc), các sản phẩm may mặc (xuất đi Nhật Bản), giày dép các loại (xuất đi Mỹ, Hà Lan, Canada, Italia…). Ở lĩnh vực ủy thác xuất khẩu năm 2023 đạt 10,52 triệu USD, tăng 48,39% so với năm 2022.
Riêng về tổng kim ngạch nhập khẩu của Bình Thuận trong năm 2023 đạt 1.227,61 triệu USD, giảm 10,11% so với năm 2022. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu để sản xuất như hàng thủy sản, nguyên liệu dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, giấy các loại. Tỷ trọng một số mặt hàng chủ yếu: Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chiếm 73,11% tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu; nguyên phụ liệu may, da, giày chiếm 12,68%; hàng thủy sản chiếm 11,57%.
So sánh kim ngạch xuất nhập khẩu Bình Thuận thực hiện trong năm 2023, cho thấy: Dù kim ngạch nhập khẩu đã giảm hơn năm trước (-10,11%) nhưng cán cân giá trị kim ngạch giữa xuất khẩu và nhập khẩu vẫn chênh lệch lớn, nghiêng nặng về nhập khẩu. Tình hình nhập siêu vẫn đang duy trì từ nhiều năm qua. Năm 2023 giá trị nhập khẩu gần gấp 2 lần giá trị xuất khẩu.
Cần sự nỗ lực hơn trong năm 2024
Năm 2024, dự báo tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục khó khăn do ảnh hưởng tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Bình Thuận cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Được biết, để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động này, năm 2024, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi Hiệp định FTA với Israel, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR…) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định. Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch. Ngoài ra, tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, Hiệp hội về nhu cầu, quy định mới… của thị trường.
Đối với Bình Thuận, Sở Công Thương cần sớm xây dựng và triển khai Chương trình xúc tiến thương mại 2024 của tỉnh, tập trung xúc tiến, quảng bá các hàng hóa có lợi thế xuất khẩu vào các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và các thị trường tiềm năng khác để mở ra các thị trường mới nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các nội dung trong Chương trình xúc tiến thương mại của quốc gia và của tỉnh để thực hiện các hoạt động xúc tiến, quảng bá, khảo sát thị trường, kết nối giao thương với các doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tình hình đàm phán, ký kết các hiệp định kinh tế – thương mại, các cơ hội, thách thức trong cam kết hội nhập giúp doanh nghiệp nắm bắt, tận dụng cơ hội và giảm thiểu tác động tiêu cực từ các hiệp định thương mại tự do đối với các mặt hàng xuất khẩu. Thu thập thông tin về tình hình, nhu cầu thị trường, các rào cản kỹ thuật trong thương mại để phổ biến đến hiệp hội và các doanh nghiệp.