BTO-Tham gia góp ý Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, tại tổ 15 chiều 24/5 Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Phó Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đã nêu các vấn đề thực tiễn cần đưa vào luật để luật đi vào cuộc sống.
Nội dung khoản 2 đang quy định việc phân loại vũ khí quân dụng, chứ không phải đang giải thích từ ngữ như tên gọi của Điều 3, do đó đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại nội dung này để giải thích cụ thể cụm từ “vũ khí quân dụng”, để có cơ sở phân biệt với các loại vũ khí khác được quy định tại khoản 1 Điều 3. Ngoài ra, tên gọi của Điều 3 là Giải thích từ ngữ nhưng nội dung Điều 3 bao hàm cả việc phân loại vũ khí. Để đảm bảo tính logic và thuận tiện cho việc nghiên cứu, triển khai thực hiện, đề nghị biên tập lại Điều 3 theo hướng tách Điều 3 thành 2 điều, một điều quy định về giải thích từ ngữ và một điều quy định về phân loại vũ khí. Về nguyên tắc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ (Điều 4); nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng (Điều 23). Cần tích hợp Điều 4 và Điều 23 lại thành 1 điều khoản quy định chung về nguyên tắc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ nhằm đảm bảo tính logic trong bố cục. Các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự (Điều 24).
Cần nghiên cứu bổ sung thêm các loại tội phạm để người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, nhất là đối với các đối tượng manh động, liều lĩnh, mất khả năng kiểm soát cảm xúc, nhận thức, hành vi… như đối tượng khai thác trái phép tài nguyên, khoáng sản; đối tượng tổ chức, sử dụng ma túy, đối tượng loạn thần, ngáo đá… gây rối trật tự công cộng đe dọa tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.
Theo Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, về vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tại khoản 1 Điều 42, tôi đề nghị bổ sung quy định yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp cần phải đảm bảo phương án phòng ngừa, ứng phó phù hợp khi vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển. Về trách nhiệm quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ (Điều 71), đề nghị bổ sung trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; đồng thời, tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước đối với nội dung nêu trên. Ngoài ra cần nghiên cứu bổ sung trách nhiệm cụ thể của Bộ Ngoại giao do có liên quan đến yếu tố nước ngoài.
Nhằm kiểm soát, ngăn ngừa, phòng, chống hoạt động mua, bán trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên không gian mạng, kiến nghị cần phát huy vai trò, hiệu quả công tác phối hợp của các cơ quan nhà nước, đoàn thể và Nhân dân trong việc tăng cường công tác tuyên truyền, tăng nặng chế tài, xử lý nghiêm các hành vi mua, bán trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên không gian mạng đang diễn biến hết sức phức tạp với nhiều phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây tác động xấu đến tình hình an ninh trật tự.