BTO-Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều nay, 8/11, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận tham gia thảo luận tại tổ 15.
Góp ý Dự án Luật này, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Đặng Hồng Sỹ cho biết, so với Luật 2012, một số nội dung vẫn còn chưa được nghiên cứu sửa đổi kịp thời. Cụ thể tại Điều 5, về trách nhiệm quản lý Nhà nước về hoạt động quảng cáo, theo báo cáo thẩm tra thì đã làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan có liên quan phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và trách nhiệm của địa phương.
Tuy nhiên, đại biểu Đặng Hồng Sỹ nhấn mạnh, việc chia tách quản lý như vậy sẽ gây nên sự phức tạp trong quản lý. Ví dụ sản phẩm nông nghiệp về muối, dược liệu có thể vừa liên quan ngành nông nghiệp, vừa liên quan ngành y tế,… Bên cạnh đó, hiện nay các lĩnh vực quảng cáo phần lớn là trên mạng xã hội. Do đó, đại biểu đề xuất nên giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về quảng cáo và có trách nhiệm chính là phù hợp nhất và chủ trì phối hợp với các Bộ có liên quan trong lĩnh vực quản lý để đảm bảo bao quát và đồng bộ.
Đồng thời, liên quan đề xuất tại Điều 5, đại biểu Đặng Hồng Sỹ cũng đề nghị các nội dung khác trong dự thảo Luật đang được giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì chuyển sang Bộ Thông tin và Truyền thông để thống nhất, đồng bộ trong quản lý.
Đối với các hành vi nghiêm cấm trong quảng cáo tại Điều 8, đại biểu Đặng Hồng Sỹ cho rằng nên bổ sung cụm từ “vệ sinh môi trường” tại khoản 4 của Điều này vì thực tế hiện nay, nhiều đơn vị sử dụng tờ rơi để tuyên truyền, quảng cáo nhưng rải phát tràn lan, ảnh hưởng mỹ quan đô thị, ảnh hưởng. Đồng thời, tại khoản 14 của Điều 8, đại biểu Sỹ cũng đề nghị nên sửa đổi, bổ sung cụm từ “trái pháp luật” vào quy định này trở thành “Quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; trái pháp luật; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em” nhằm để cấm những quảng cáo gây cho trẻ em hiểu sai, hiểu chưa đúng về pháp luật.
Ngoài ra, qua nghiên cứu, đại biểu Đặng Hồng Sỹ cho rằng cần sửa đổi, bổ sung thêm các quy định về thời hạn của Bảng quảng cáo (Điều 27). Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định các tổ chức, cá nhân khi thực hiện quảng cáo trên phương tiện giao thông (như xe bus, taxi,…) thì phải báo cáo với cơ quan chức năng quản lý tại địa phương; cần thiết phải quy hoạch quảng cáo ngoài trời; các giải pháp chế tài xử lý đối với các đối tượng quảng cáo sai sự thật thông qua số điện thoại, mạng xã hội…
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/can-kiem-soat-tot-hon-cac-quy-dinh-ve-quang-cao-125568.html