Sáng 24/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH 2024; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) 2023, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương 2024… Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tham gia thảo luận tại tổ 15.
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với nội dung các báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.
Tham gia ý kiến, ĐBQH tỉnh Bình Thuận Đặng Hồng Sỹ khẳng định, năm 2023, các công trình dự án lớn được đưa vào hoạt động, trong đó có tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam đã tạo ra những chuyển biến tích cực góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các tuyến đường nội bộ, đường dân sinh của địa phương bị hư hỏng nặng do lưu lượng xe vận chuyển vật liệu thi công quá nhiều. Đáng chú ý hơn vào mùa mưa, đường ngập nước, các ổ gà không thể nhìn thấy, người dân đi lại bị tai nạn nhiều. Cử tri rất bức xúc và tiếp tục kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm chỉ đạo các đơn vị thi công khắc phục…
Bên cạnh đó, ĐBQH tỉnh Đặng Hồng Sỹ bày tỏ quan tâm đến thiết bị giám sát hành trình cho ngư dân. Theo đại biểu Sỹ, Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ mua thiết bị giám sát hành trình để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển cũng như ngành chức năng dễ kiểm soát quá trình đánh bắt của ngư dân. Lý giải về vấn đề này, đại biểu Sỹ cho rằng hiện nay trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, đời sống của ngư dân càng thêm khó khăn trong khi lực lượng ngư dân trên cả nước rất đông. Tại Bình Thuận, có 1.945 tàu cá trên 15m phải gắn thiết bị hành trình, trong khi một thiết bị hành trình dao động từ 20.000.000 – 28.000.000 đồng. Đi đôi với đó, hàng tháng ngư dân phải đóng tiền thuê bao khoảng 230.000 đồng đến 285.000 đồng/thiết bị. Như vậy, ngư dân phải bỏ tiền ra mua thiết bị giám sát hành trình đồng thời phải chịu thêm phí thuê bao. Trước tình trạng trên, tại Bình Thuận, trong điều kiện ngân sách khó khăn chỉ hỗ trợ 10.000.000 đồng/thiết bị. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang nghiên cứu hỗ trợ thuê bao hàng tháng cho các chủ tàu có gắn thiết bị hành trình.
Mặt khác, cả nước hiện có 10 doanh nghiệp được Tổng cục Thuỷ sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý cung cấp thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên thực tế, trong thời gian qua, mỗi doanh nghiệp cung cấp và bảo trì theo những cách khác nhau. Trong khi đó hiện nay, các thiết bị giám sát hành trình khi ra khơi bị mất sóng, mất liên lạc xảy ra rất nhiều mà nguyên nhân chính vẫn là thiết bị không đảm bảo chất lượng. Chính vì vậy, đại biểu Sỹ đề nghị Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có chính sách cụ thể tháo gỡ khó khăn cho ngư dân. Trong đó phải sớm ban hành một quy chuẩn về tiêu chuẩn bộ thiết bị giám sát hành trình đảm bảo hiệu quả, chất lượng để giúp cho ngư dân. Bên cạnh đó, nên có chính sách hỗ trợ thiết bị giám sát hành trình, chỉ thu tiền cước hàng tháng. Đồng thời, khi thiết bị hư hỏng bảo trì thì nhà cung cấp phải hỗ trợ thiết bị để thay thế kịp thời; nếu chờ đến 3 tháng mới bảo trì xong ngư dân không thể ra biển nhất là vào vụ cá Nam.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ lãi suất 2% trong gói 40.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 43 thông qua các ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Đại biểu Sỹ cho rằng, đây là chính sách tốt, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31 nhưng đến tháng 8/2023 chỉ giải ngân được 781 tỷ đồng. Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được chính sách này rất ít. Hộ kinh doanh không tiếp cận được chính sách này. Thủ tục cho vay lại rất rườm rà. Chính vì vậy, đại biểu Sỹ đề nghị phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về Nghị quyết 43 để các doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay cho kinh doanh. Mặt khác, phải sửa đổi điều kiện cho vay vốn theo Nghị định 31 để thuận lợi nhất trong tiếp cận nguồn vốn của hộ kinh doanh…
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Bố Thị Xuân Linh bày tỏ thống nhất với báo cáo của Chính phủ cũng như của các cơ quan thẩm tra. Liên quan đến những tồn tại, hạn chế, đại biểu Linh cho biết trong quá trình tiếp xúc cử tri, nhân dân tỉnh Bình Thuận rất quan tâm phản ánh về tình hình phát triển nông nghiệp nông thôn. Về sản xuất ra sản phẩm hiện nay cử tri gặp nhiều khó khăn, nhất là cây thanh long – cây chủ lực của tỉnh Bình Thuận nhưng giá cả, đầu ra bấp bênh. Chính vì vậy, đại biểu Linh bày tỏ mong muốn Chính phủ cần có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt hơn để việc sản xuất ra sản phẩm được ổn định, đời sống của người dân nâng cao hơn.
Về thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Linh đề nghị Ban soạn thảo đánh giá đưa vào nội dung này trong báo cáo của Chính phủ và trách nhiệm thực hiện thuộc về ngành nào. Liên quan đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến nay vẫn còn thấp, đại biểu Linh đề nghị Chính phủ cần phân tích rõ nguyên nhân, hạn chế để từ đó có giải pháp quyết liệt hơn.
Liên quan đến vấn đề chăm sóc sức khỏe nhân dân, theo đại biểu Linh, hiện nay việc thiếu thuốc, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, điều kiện khám chữa bệnh, y tế dự phòng… vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, cử tri rất bức xúc trước tình trạng cơ sở vật chất y tế thiếu trầm trọng, đại biểu Linh mong muốn Chính phủ cần có giải pháp để giải quyết tình trạng này. Cũng theo đại biểu Linh, trong báo cáo của Chính phủ không thấy có đánh giá vấn đề khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Đại biểu Linh đề nghị bổ sung thêm nội dung này để Chính phủ có chỉ đạo quyết liệt nhằm sớm gỡ thẻ vàng trong thời gian tới…
Về lĩnh vực giáo dục, đào tạo nghề giải quyết việc làm cũng được cử tri đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Theo đại biểu Linh, mặc dù ngành Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều cố gắng nỗ lực, tuy nhiên từng nơi, từng địa phương đội ngũ giáo viên vẫn còn thiếu, nhất là giáo viên ngoại ngữ, tin học, giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số. Đáng chú ý, hiện nay trên các địa bàn dạy tiếng dân tộc thiếu số xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa, có địa bàn không có sách để dạy. Chính vì vậy, đại biểu Linh đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu có giải pháp để giải quyết sớm vấn đề này.
Mặt khác hiện nay tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm, thất nghiệp ngày càng nhiều. Đây là gánh nặng của gia đình và toàn xã hội. Vấn đề này đã được cử tri quan tâm phản ánh rất nhiều nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào để giải quyết tình trạng này. Do vậy, Đại biểu Linh đề nghị Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm vào cuộc để có giải pháp khắc phục tình trạng thất nghiệp của sinh viên sau khi ra trường…