Tính đến thời điểm này, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) trên toàn tỉnh cơ bản đã hoàn thành và việc giám sát tàu cá qua hệ thống cũng được ngành chức năng quyết liệt triển khai. Nhờ đó, những tàu cá vượt ranh giới trên biển, mất kết nối VMS dài ngày đều được phát hiện kịp thời. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm những tàu cá mất kết nối còn nhiều vướng mắc vì đang chờ hướng dẫn cụ thể theo nghị định mới.
Phát huy hiệu quả Trung tâm giám sát
Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.942 tàu cá đang hoạt động đã lắp đặt thiết bị VMS, đạt tỷ lệ 100%, trong đó, nhóm tàu trên 24m đã lắp đặt 37 chiếc, nhóm tàu cá có chiều dài từ 15 đến dưới 24m lắp đặt 1.905 chiếc. Ngoài ra, có 11 tàu cá chưa thực hiện lắp đặt thiết bị VMS. Qua kiểm tra xác minh tại các địa phương, số tàu cá này đã ngừng hoạt động do hư hỏng nằm bờ, thi hành án, tranh chấp dân sự đã được Chi cục Thủy sản lập danh sách để quản lý, giám sát chặt chẽ, có thông tin cụ thể nơi tàu đang neo đậu, số điện thoại để liên hệ khi cần thiết.
Từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 (tháng 10/2023) của đoàn Thanh tra EC đến nay, Bình Thuận có 69 tàu cá mất kết nối trên 6 tiếng đồng hồ không báo cáo vị trí về bờ. Chi cục Thủy sản đã chỉ đạo các Trạm Kiểm ngư khu vực phối hợp với các Đồn Biên phòng, chính quyền địa phương xác minh nhắc nhở chủ tàu thực hiện việc kết nối đúng quy định khi hoạt động trên biển. Ngoài ra, còn có 43 tàu cá mất kết nối 10 ngày không đưa tàu cá vào về bờ theo quy định. Chi cục Thủy sản đã xác minh xử lý 24 vụ còn lại 19 tàu đang tiếp tục xác minh xử lý theo quy định. Riêng những tàu cá mất kết nối trên 6 tháng hoặc 1 năm, có 204 trường hợp. Qua rà soát, kiểm tra có 177 tàu cá mất kết nối trong bờ và ngưng sử dụng dịch vụ, 27 tàu mất kết nối trên biển nhưng đã vào bờ trước 10 ngày.
Theo kết quả xác minh của các Trạm Kiểm ngư phối hợp Đồn Biên phòng, chính quyền địa phương và các nhà cung cấp cho thấy, việc tàu cá mất kết nối VMS trên 6 tháng chủ yếu do ngưng hoạt động nên không sử dụng dịch vụ, tàu cá nằm bờ, không đóng cước phí… Hầu hết, các tàu cá này đang neo đậu tại các cảng cá, bến cá địa phương và được địa phương theo dõi giám sát chặt chẽ. Đặc biệt, từ đầu năm 2023 đến nay, Bình Thuận có 23 lượt tàu cá vượt ranh giới cho phép (trong đó, 5 trường hợp tàu cá bị lỗi thiết bị, 13 trường hợp trực ban liên lạc trực tiếp với thuyền trưởng đề nghị đưa tàu quay về vùng biển Việt Nam, 4 trường hợp liên lạc với thuyền trưởng, đồng thời làm việc với gia đình chủ tàu). Trong năm 2024, có 1 trường hợp tàu cá vượt ranh giới, trực ban đã phát thông báo và đề nghị Ban chỉ đạo IUU TP. Phan Thiết tổ chức làm việc với chủ tàu, yêu cầu thuyền trưởng tàu BTh-99398-TS khẩn trương đưa tàu quay về vùng biển Việt Nam.
Cần hướng dẫn kịp thời
Nhằm bảo đảm các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản được xử lý triệt để và đáp ứng các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu, nỗ lực gỡ “Thẻ vàng” trong năm nay, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 38/2024/NĐ-CP thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Theo nghị định này, tàu cá mất kết nối trên 6 giờ, trên 10 ngày, tàu vượt ranh giới không báo vị trí sẽ bị xử lý vi phạm, tuy nhiên việc thực hiện còn vướng mắc, chồng chéo giữa các luật. Theo Nghị định 38: “Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đã được kiểm định, hiệu chuẩn…”. Trong khi đó, Nghị định 135/2021/NĐ-CP quy định: “Các hành vi bị nghiêm cấm: Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ không bảo đảm đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định…”, còn phương tiện, thiết bị kỹ thuật nào đạt chuẩn thì không thấy nhắc đến.
Về vấn đề này, ông Lê Thanh Bình – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản giải thích: “Trước đây, chưa có Nghị định 38, các địa phương có thể xử lý những tàu mất kết nối VMS thông qua các thiết bị kỹ thuật. Tuy nhiên hiện nay Bộ Nông nghiệp và PTNT chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể hóa nghị định này, do đó các địa phương lúng túng và chưa có cơ sở để “phạt nguội” các tàu cá vi phạm thông qua hệ thống giám sát”. Bên cạnh chất lượng của nhiều thiết bị VMS không đảm bảo, việc bảo dưỡng, sửa chữa chưa kịp thời, thì việc xác định do thiết bị hay do người sử dụng thiết bị khi gặp sự cố cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Bình giải thích thêm: “Theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP, khi thiết bị VMS tàu cá bị hỏng, thuyền trưởng phải báo cáo vị trí 6 giờ/lần và phải đưa tàu về bờ trong 10 ngày. Các trường hợp mất kết nối do lỗi kỹ thuật, mất sóng vệ tinh… không quy định phải báo cáo vị trí 6 giờ/lần và phải đưa tàu về bờ. Do đó, việc xác định vi phạm quy định của thuyền trưởng khi thiết bị VMS mất kết nối không phải do hư hỏng là thiếu thuyết phục. Đặc biệt, số lượng tàu cá mất kết nối trên 6 giờ hàng ngày quá lớn, có ngày trên 100 tàu và trong đó đa phần lỗi không phải do chủ tàu, thuyền trưởng mà do thiết bị, nên việc xử phạt rất khó khăn.
Với những vướng mắc trên, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm ban hành hướng dẫn sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Ngoài ra, kiến nghị Cục Thủy sản tổ chức đợt kiểm tra, rà soát đánh giá lại chất lượng, sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn các loại thiết bị VMS và hạ tầng kỹ thuật của các nhà cung cấp dịch vụ VMS. Sớm chỉ đạo hoàn thiện phần mềm giám sát tàu cá nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế hiện nay, nhất là việc điều chỉnh phạm vi neo đậu tại vùng bờ ở các đảo, xã bãi ngang.