Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, song tình hình thu hút dự án đầu tư thứ cấp và sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn Bình Thuận cũng đạt một số kết quả nhất định…
Thêm dự án đầu tư mới
Trong năm qua, nhờ các đoạn cao tốc đường bộ như Dầu Giây – Phan Thiết, Phan Thiết – Vĩnh Hảo chính thức đưa vào sử dụng đã góp phần tạo sức hút cho những lĩnh vực lợi thế của địa phương. Ngoài du lịch với bước chuyển mình thấy rõ thì tiềm năng phát triển công nghiệp Bình Thuận cũng được nhà đầu tư khắp nơi quan tâm tìm hiểu, từ đó xúc tiến đăng ký triển khai dự án tại các KCN nơi đây. Chính vì vậy, Ban Quản lý các KCN Bình Thuận và chủ đầu tư hạ tầng kịp thời rà soát, cập nhật thông tin về tình hình kinh tế – xã hội, cơ chế – chính sách ưu đãi, quy trình – trình tự thủ tục, danh mục dự án kêu gọi đầu tư… Mặt khác còn tích cực tham dự diễn đàn, hội thảo, hội nghị liên quan và gặp gỡ, trao đổi hợp tác với tổ chức có chức năng xúc tiến đầu tư hoặc các hiệp hội, tập đoàn kinh tế trong lẫn ngoài nước để tăng cường kêu gọi đầu tư vào KCN trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phối hợp tổ chức thành công 2 hội thảo chuyên đề về: Giải pháp thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào các KCN, Xúc tiến đầu tư tại chỗ trên lĩnh vực chế biến nông – lâm – thủy sản (diễn ra trong nửa cuối năm 2023 tại TP. Phan Thiết).
Theo Ban Quản lý các KCN Bình Thuận, thời gian qua đã có nhiều nhà đầu tư đến địa phương tìm kiếm cơ hội đầu tư và số dự án đầu tư thứ cấp được cấp mới cũng tăng thêm cả về số lượng, vốn đầu tư. Với kết quả có thêm 8 dự án đầu tư trong nước (vốn đăng ký 1.494 tỷ đồng) và 1 dự án đầu tư nước ngoài (vốn đầu tư 3,6 triệu USD), tính đến nay các KCN của tỉnh đã thu hút được 88 dự án đầu tư thứ cấp. Trong đó bao gồm 62 dự án trong nước, 26 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 17.385 tỷ đồng và hơn 230 triệu USD, hiện tỷ lệ lấp đầy của các KCN đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật đạt hơn 40%…
Duy trì mức tăng trưởng
Năm vừa qua, mặc dù chịu ảnh hưởng từ tình hình bất ổn trên thế giới, thị trường xuất khẩu tại châu Âu thu hẹp… song doanh nghiệp thứ cấp tại các KCN đã chủ động khắc phục khó khăn, hướng đến ổn định và duy trì tăng trưởng sản xuất – kinh doanh. Trong đó các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng may mặc, túi xách, giấy dính cao cấp, cơ khí, hải sản, thực phẩm, nhân hạt điều, khoáng sản, vật liệu xây dựng cho thấy sự tăng trưởng ổn định. Với nhóm doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ (gas, bia, nước giải khát, buôn bán và sửa chữa ô tô…) cũng duy trì sự tăng trưởng khá… Nhờ đó doanh thu cả năm của doanh nghiệp tại các KCN trong năm qua ước đạt 9.150 tỷ đồng (tăng 7,6%), kim ngạch xuất khẩu đạt 270 triệu USD (tăng 8%) và nộp ngân sách khoảng 160 tỷ đồng (tăng 6,6% so với kế hoạch).
Bên cạnh đó các chính sách về lao động, tiền lương, tiền thưởng cho người lao động và chế độ đối với người lao động nghỉ việc do thiếu hụt đơn hàng đều được hầu hết doanh nghiệp cố gắng thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật Lao động. Ngoài ra còn quan tâm triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy và không để xảy ra vụ việc đình công, lãn công hay khiếu nại, khiếu kiện đông người trong các KCN.
Tới đây, Ban Quản lý các KCN Bình Thuận sẽ phối hợp sở ngành và chủ đầu tư hạ tầng thực hiện tốt hoạt động xúc tiến đầu tư có liên quan theo Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024 của UBND tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút dự án đầu tư thứ cấp để nâng cao tỷ lệ lấp đầy các KCN, kịp thời hỗ trợ giải quyết những tồn tại, vướng mắc của doanh nghiệp nhằm góp phần duy trì ổn định cũng như tăng trưởng trong sản xuất – kinh doanh nơi đây…
Tại các KCN trên địa bàn Bình Thuận hiện có 66/88 dự án đi vào hoạt động sản xuất – kinh doanh, qua đó thu hút hơn 11.000 lao động, ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội đạt tỷ lệ hơn 96%, đạt mức thu nhập bình quân trên 6,7 triệu đồng/người/tháng…