Bình Thuận là tỉnh nằm trong vùng khô hạn nhất của cả nước, nên từ lâu nguồn nước phục vụ dân sinh rất thiếu thốn. Do đó, để khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế – xã hội, việc giải quyết nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt của dân là một trong những vấn đề hàng đầu của địa phương tập trung giải quyết.
Tăng trưởng về sản xuất nông nghiệp
Ngành nông nghiệp tỉnh nhấn mạnh, thủy lợi giữ vai trò quyết định cho sự tăng trưởng về diện tích, năng suất, sản lượng trong sản xuất nông nghiệp, giữ gìn môi trường sinh thái và phòng chống thiên tai. “Gánh” nhiệm vụ vô cùng quan trọng ấy, nên có thể cảm nhận sự đổi thay từ khi có thủy lợi ở những địa phương thường xuyên nắng hạn của Bình Thuận.
Thật vậy, cùng với các huyện Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc… được hưởng lợi và không ngừng phát triển từ nguồn nước thủy lợi, đến nay huyện Hàm Thuận Nam đã và đang dần hoàn thiện mạng lưới thủy lợi để chống hạn, đi đôi với phát triển kinh tế – xã hội. Lâu nay, Hàm Thuận Nam một trong những địa phương thường xuyên bị thiếu nước sinh hoạt, sản xuất vào mùa khô. Thời gian gần đây, nhờ nâng cấp, đầu tư một số hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn, nên “thủ phủ” thanh long ngày càng phủ màu xanh. Màu xanh của thanh long còn len lỏi lên khắp các chân đồi, nơi cằn cỗi nhất của vùng hạn. Dưới bàn tay chăm sóc của con người, có được màu xanh ấy còn là sự góp công của nguồn nước thủy lợi tưới tiêu cho cây trồng.
Như chia sẻ của ông Đặng Thái Phi, thôn Phú Thọ, xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam: Tôi đang sản xuất hơn 2.000 trụ thanh long gần khu vực hồ Đu Đủ. Trước đây nguồn nước tưới cho thanh long rất khó khăn, tưới ngắt quãng nên hiệu quả không cao. Đến nay, nhờ có nguồn nước tưới thủy lợi nên sản lượng thanh long tăng cao hơn, nông dân canh tác nông nghiệp vơi đi một phần nỗi lo về nước tưới, nhất là cao điểm các tháng mùa khô.
Theo UBND huyện Hàm Thuận Nam, đến nay toàn huyện đã được đầu tư 16 công trình hồ, đập thủy lợi. Từ năm 2008 – 2017, với tổng dung tích hữu ích thiết kế là 45.119 triệu m3, đáp ứng tưới cho 7.000 ha đất sản xuất nông nghiệp.
Trong năm 2022 địa phương phối hợp xây dựng và nâng cấp sửa chữa 2 công trình thủy lợi gồm Tân Lập, Tà Mon và tổ chức nạo vét các tuyến kênh tưới. Ngoài ra đã kiên cố hóa kênh mương nội đồng thêm 3 tuyến. Đồng thời đề xuất nâng cấp hồ Ba Bàu, phối hợp triển khai đầu tư tuyến kênh Đu Đủ – Tân Thành, nâng cấp kênh chuyển nước Sông Móng – Đu Đủ – Tân Lập và phối hợp triển khai xây dựng hồ Ka Pét…để đáp ứng ngày càng tốt hơn nguồn nước phục vụ nhân dân.
Nước “vẽ” màu xanh
Nếu như trước đây, Bắc Bình có rất nhiều diện tích đất bỏ hoang thì đến nay, các công trình thủy lợi đã “vẽ lại” màu xanh cho đất, với nhiều cánh đồng, trang trại, các loại cây trồng lợi thế được phát huy. Bên cạnh đó, diện tích, năng suất canh tác, sản lượng thu hoạch không ngừng tăng lên, nông dân có thu nhập ổn định hơn, có nhiều hộ vươn lên làm giàu từ nông nghiệp. Đây chính là lời đánh giá của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An trong dịp kỷ niệm 40 năm tái lập huyện Bắc Bình diễn ra vào giữa năm 2023.
Vốn được mệnh danh là một trong những địa phương khô hạn của tỉnh những năm qua, nhưng hiện nay huyện Bắc Bình lại trở thành một trong những địa phương có hệ thống thủy lợi hoàn thiện, nguồn nước dồi dào, phục vụ không chỉ cho nhân dân trong huyện. Theo UBND huyện Bắc Bình, kể từ năm 1983, nền sản xuất nông nghiệp còn mang tính tự phát, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp. Khi ấy, nông nghiệp được xác định là ngành kinh tế chủ lực, nhưng nguồn nước tưới tiêu phụ thuộc vào lượng mưa hàng năm. Thời tiết nắng hạn, tình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi thường xuyên xảy ra cục bộ ở một số địa phương, dẫn đến đất bỏ hoang nhiều. Những năm sau đó, nhiều công trình mới được xây dựng, tạo ra sự thay đổi diện mạo của huyện, góp phần đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân, là khâu đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Đặc biệt, trong số đó phải kể đến những công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp điển hình như Đập Đồng Mới; hồ chứa nước Cà Giây. Ngoài ra, phải kể đến các công trình vô cùng quan trọng, góp phần “xóa khô”, trải màu xanh cho Bắc Bình, đó là Dự án tưới Phan Rí – Phan Thiết, Công trình tiếp nước về Khu Lê Hồng Phong. Mới đây nhất, công trình hồ chứa nước Sông Lũy được đưa vào sử dụng có vai trò đặc biệt quan trọng cấp nước phục vụ sinh hoạt và du lịch; duy trì dòng chảy môi trường; giảm lũ hạ du; cấp nước tưới cho hàng chục ngàn ha đất canh tác của nhân dân…
Theo ông Mai Kiều – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, những năm qua nhờ đầu tư tốt các công trình thủy lợi, đặc biệt là sáng kiến làm kênh nối mạng thủy lợi, đến nay toàn tỉnh đã chủ động tưới trên 50% diện tích đất canh tác cần tưới hàng năm và cung cấp nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Tuy vậy, hiện vẫn còn diện tích lớn chưa được tưới, đặc biệt ở phía Nam như Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, La Gi. Trong khi đó, nông nghiệp là ngành rất cần “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, vì vậy việc tiếp tục đầu tư hạ tầng thủy lợi sẽ tạo sự phát triển đồng đều giữa các vùng trong tỉnh, góp phần mở rộng diện tích gieo trồng được tưới. Nhờ có thủy lợi, ngành nông nghiệp của tỉnh đã, đang và sẽ phát triển nhanh. Thủy lợi đã thật sự tạo niềm tin sâu sắc trong nhân dân về chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Nhà nước. Qua đó, góp phần tích cực vào xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, tăng nhanh số hộ nông dân làm giàu chính đáng, nhiều vùng nông thôn đã khởi sắc, người dân yên tâm ổn định cuộc sống. Các công trình thủy lợi góp phần “vẽ lại” màu xanh cho đất, là một thành quả hết sức ý nghĩa cho một tỉnh khô hạn như Bình Thuận.
Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Bình Thuận cho biết, tính đến nay toàn tỉnh có 49 hồ chứa nước với tổng dung tích chứa khoảng 442 triệu m3. Nhiệm vụ cấp nước tưới ổn định 3 vụ/năm cho hơn 41.000 ha đất canh tác. Đồng thời cấp nước thô cho các nhà máy nước sinh hoạt khoảng 124.000 m3/ngày đêm. Hiện tỉnh đã đầu tư nâng cấp được 17 hồ, còn lại 14 hồ chứa xuống cấp chưa được sửa chữa. Trong đó 7 hồ đã có kế hoạch vốn nâng cấp.