Tháng 5/2021, Kiểm ngư tỉnh Bình Thuận chính thức đi vào hoạt động và là một trong rất ít tỉnh, thành trong cả nước tiên phong thành lập lực lượng kiểm ngư theo Luật Thủy sản 2017.
Điểm tựa vững chắc cho ngư dân
Thời gian qua, lực lượng kiểm ngư đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trên các vùng biển được giao quản lý, hỗ trợ ngư dân khai thác trên các vùng biển. Ngoài ra, lực lượng kiểm ngư đã tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các ngư trường trọng điểm, tập trung ngăn chặn, xử lý các vi phạm, góp phần quan trọng trong chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Tuy nhiên, tình trạng tàu cá vi phạm các quy định về IUU vẫn còn diễn ra phức tạp, tinh vi để trốn tránh lực lượng chức năng. Không chỉ vậy, nguồn lợi thủy sản đang suy giảm nghiêm trọng, cảnh báo “thẻ vàng” IUU vẫn chưa tháo gỡ, vì vậy việc thực thi pháp luật nói chung, đối với lực lượng kiểm ngư nói riêng lại càng đóng vai trò quan trọng. Vì thế, Kiểm ngư tỉnh được thành lập đã đáp ứng yêu cầu quản lý phạm vi ngư trường theo phân vùng, đảm bảo bao quát ngư trường, bảo vệ nguồn lợi, chống khai thác IUU tại vùng bờ và vùng lộng thuộc quyền quản lý của tỉnh. Theo đó, Kiểm ngư tỉnh được sắp xếp, bố trí tại Phòng Thanh tra – Kiểm ngư và 4 Trạm Kiểm ngư khu vực tại các địa bàn huyện Tuy Phong, TP. Phan Thiết, thị xã La Gi và huyện Phú Quý.
Tuy chỉ mới thành lập, nhưng trong quá trình hoạt động, lực lượng kiểm ngư đã dần lớn mạnh và đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Những năm qua, lực lượng kiểm ngư tỉnh đã triển khai hoạt động thường xuyên, có hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong khai thác IUU. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, địa phương ven biển tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn ngư dân thực hiện các quy định của pháp luật về thủy sản; tham gia tích cực vào công tác phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn trên biển, góp phần giảm thiểu tai nạn trên biển cũng như giúp ngư dân yên tâm bám biển.
Ngư dân Lê Văn Ngà, phường Đức Long – TP. Phan Thiết chia sẻ: “Hơn 40 năm bôn ba nghề biển, đặc biệt là tàu của gia đình chuyên đánh bắt xa bờ, tôi và nhiều ngư dân khác rất yên tâm vì bên cạnh các lực lượng như hải quân, cảnh sát biển, bà con luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của lực lượng kiểm ngư. Tàu nào gặp sự cố trên biển, chỉ cần liên lạc với lực lượng kiểm ngư sẽ được họ hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, thông qua các buổi tuần tra, kiểm soát ngư trường, lực lượng kiểm ngư còn trực tiếp hướng dẫn cho ngư dân hiểu nội dung Luật Biển Việt Nam, đường phân định thềm lục địa và các quy định trong hoạt động khai thác thủy sản. Nhờ đó, ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân trên biển được nâng cao, hạn chế thấp nhất việc xâm lấn vùng biển nước ngoài”.
Cần chuẩn hóa lực lượng kiểm ngư
Không chỉ vậy, hoạt động của lực lượng kiểm ngư đã góp phần bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái biển, nhất là trong xu thế hội nhập quốc tế, xây dựng nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững hiện nay. Qua từng năm, lực lượng kiểm ngư đã xử phạt hành chính hàng trăm vụ việc liên quan. Năm 2021, lực lượng đã xử phạt 343 vụ với số tiền xử phạt hơn 3,8 tỷ đồng; năm 2022, xử phạt 288 vụ hơn 3,1 tỷ đồng; năm 2023 xử phạt 378 vụ với số tiền phạt hơn 3,5 tỷ đồng.
Theo Chi cục Thủy sản, tuy lực lượng kiểm ngư đã hoạt động với cường độ cao, liên tục, song tình trạng vi phạm khai thác bất hợp pháp (IUU) vẫn diễn ra phức tạp. Các hoạt động khai thác có tính chất hủy diệt nguồn lợi như sử dụng chất nổ, công cụ kích điện, chất độc, nghề giã cào bay đánh bắt sai tuyến, khai thác hải sản non đã làm suy kiệt nguồn lợi tại nhiều khu vực ven bờ, nhất là nguồn lợi hải đặc sản… Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là, từ khi đi vào hoạt động đến nay, Kiểm ngư tỉnh chưa được trang bị thêm phương tiện (tàu, ca nô) tuần tra, bổ sung nhân lực… Phải quản lý vùng biển rộng khoảng 14.000 km2, có hàng ngàn tàu cá trong và ngoài tỉnh, nhưng lực lượng chỉ có 40 người với 3 tàu và 4 ca nô công suất nhỏ, sức chịu đựng sóng gió hạn chế. Đặc biệt, chế độ, chính sách đối với lực lượng kiểm ngư không phù hợp, chưa tương xứng với mức độ khó khăn, nguy hiểm và độ rủi ro cao của hoạt động kiểm tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển.
Để đáp ứng vai trò nòng cốt bảo vệ nguồn lợi thủy sản, là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vương khơi bám biển, lực lượng kiểm ngư tỉnh cần được quan tâm đầu tư phương tiện, con người và các chế độ, chính sách phù hợp đặc điểm, đặc thù công việc đi đôi với tăng cường giám sát kỷ luật công vụ, tinh thần trách nhiệm, chấp hành pháp luật của lực lượng kiểm ngư. Khi lực lượng kiểm ngư ở các địa phương được chuẩn hóa sẽ ngày càng lớn mạnh, là bệ đỡ vững chắc cho công tác tuần tra, kiểm soát trên biển, góp phần khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) trong thời gian sớm nhất.