BTO-Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức hội nghị “Phát triển thanh long bền vững ở Việt Nam”, tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào cuối tuần qua.
Đây là hội nghị được tổ chức trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp các bon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện chống biến đổi khí hậu của Việt Nam”, với sự tham dự của các bộ, ngành, địa phương liên quan, các tổ chức quốc tế và đông đảo các doanh nghiệp, hợp tác xã thanh long trên cả nước. Đoàn đại biểu của tỉnh Bình Thuận tham dự hội nghị do ông Phan Văn Tấn – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, cùng một số đơn vị trực thuộc, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến và xuất khẩu thanh long trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị nhằm mục tiêu chia sẻ định hướng về phát triển thanh long Việt Nam và thúc đẩy sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm thanh long xanh, bền vững. Đồng thời thảo luận về cơ chế và giải pháp cho phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu cho các sản phẩm thanh long. Song song, tạo cơ hội thúc đẩy liên kết chuỗi giữa người sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở chế biến, xuất khẩu theo hướng phát thải các bon thấp, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại hội nghị, Cục trồng trọt đã giới thiệu tổng quan tình hình sản xuất thanh long tại Việt Nam, Trung Quốc và một số nước. Cụ thể nhấn mạnh, diện tích thanh long Việt Nam hiện nay đạt gần 55.000 ha, sản lượng đạt khoảng 1,3 triệu tấn/ năm. Tuy nhiên, sau thời gian chiếm lĩnh được một số thị trường, thanh long Việt Nam đang đối mặt với không ít thách thức. Đó là yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, mẫu mã thanh long quả tươi xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt. Giống chủ lực của Việt Nam là thanh long vỏ đỏ ruột trắng có kích cỡ, mẫu mã đẹp và ấn tượng, nhưng vị nhạt, không giòn và ngọt như thanh long vỏ vàng. Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu dẫn đến sự phát sinh, phát triển của nhiều loại sâu bệnh, dịch hại cùng với giá vật tư phân bón tăng cao ảnh hưởng đến đầu tư sản xuất, giá thành, an toàn thực phẩm và sức cạnh tranh…
Riêng tại Bình Thuận, ông Phan Văn Tấn cho biết, toàn tỉnh hiện có gần 28.000 ha thanh long, với hơn 500 tổ hợp tác với khoảng gần 10.000 hộ; 35 hợp tác xã và 1 Liên hiệp HTX với diện tích 1.384 ha với 673 thành viên. Hiện nay, việc tiêu thụ sản phẩm thanh long không ổn định, giá cả còn bấp bênh; khả năng cạnh tranh còn yếu, thị trường tiêu thụ chưa đa dạng, chủ yếu là thị trường Trung Quốc…
Nêu các giải pháp để phát triển thanh long bền vững ở Việt Nam, đại diện UNDP tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào chất lượng thanh long hơn là sản lượng, số lượng. Theo đó, cần phải duy trì mức độ sản xuất tập trung ở các địa phương như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang để có thể áp dụng các biện pháp canh tác đạt chuẩn thực hành sản xuất tốt (GAP) tích hợp các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu…
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh, muốn thanh long phát triển bền vững thì phải thực hiện quy trình sản xuất an toàn, giảm phát thải, song song đó là nâng cao chất lượng giá trị của sản phẩm. Yêu cầu tất yếu là tổ chức lại sản xuất thanh long theo chuỗi liên kết vì có giống tốt, trái tốt, nhưng tổ chức không tốt thì không hiệu quả, không đem lại giá trị gia tăng. Trong liên kết sản xuất, vai trò của hợp tác xã, hộ nông dân, doanh nghiệp cần được xác định cụ thể và có tính cam kết để đảm bảo cho ra sản phẩm cuối cùng đạt chất lượng tốt nhất…
Trước đó, ngày 22/9 tại TP. Phan Thiết, Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận đã phối hợp với Hội Làm vườn Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Tìm giải pháp để ngành hàng thanh long Việt Nam phát triển bền vững”, thu hút sự tham dự của đại diện các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã liên quan.