Đặt nền móng vững chắc cho việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Bình Thuận đã và đang quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, tăng tốc phát triển, trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch trong những năm tiếp theo. Đó là những chia sẻ của đồng chí Dương Văn An – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh với Báo Bình Thuận nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn.
Tăng trưởng 3 trụ cột
Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, nhìn lại bức tranh kinh tế – xã hội trong năm qua, những điểm nào là ấn tượng nhất?
Đồng chí Dương Văn An – Bí thư Tỉnh ủy: Chúng ta bước vào năm 2023 với quyết tâm tăng tốc phát triển để bù đắp cho 2 năm đầu nhiệm kỳ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Dù có nhiều khó khăn do tình hình chung của cả nước và những vấn đề nội tại trong tỉnh, nhưng chúng ta cũng có những thuận lợi. Đó là sự quan tâm, ủng hộ rất lớn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương với những chuyến thăm, làm việc, định hướng chỉ đạo rất sâu sắc, toàn diện; tuyến cao tốc Bắc – Nam (phía Đông), đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây được đưa vào sử dụng giúp rút ngắn thời gian từ Bình Thuận đi các địa phương khác (nhất là các tỉnh, thành phố trong vùng động lực phía Nam), từ đó, trở thành địa bàn hấp dẫn, thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn; việc đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia với hơn 100 hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, mới lạ, giúp ngành du lịch nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng ấn tượng.
Với những thuận lợi như trên, cộng với sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, bức tranh kinh tế – xã hội của tỉnh có nhiều kết quả ấn tượng. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2023 tăng 8,1% so với năm 2022, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và 4/14 địa phương trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ (trong khi đó, năm 2022, chỉ xếp thứ 45/63 tỉnh, thành phố và thứ 10/14 địa phương trong vùng). Trong bối cảnh tăng trưởng GDP của cả nước ở mức 5,05% và chỉ tiêu đặt ra của tỉnh là 7,0 – 7,2% thì kết quả này đã vượt trên mong đợi. Với tốc độ tăng trưởng khá trong 2 năm 2022, 2023, quy mô kinh tế của tỉnh lần đầu tiên đạt hơn 100.000 tỷ đồng. 3 lĩnh vực được xác định là trụ cột kinh tế của tỉnh là công nghiệp, du lịch và nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt, trong đó, du lịch có sự bứt phá mạnh mẽ. Toàn tỉnh đã đón hơn 8,35 triệu lượt du khách, tăng gần 46%; doanh thu ước đạt hơn 22.300 tỷ đồng, nằm trong nhóm các địa phương có doanh thu du lịch cao nhất nước. Một điểm rất nổi bật, trong năm 2023, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án đầu tư quy mô rất lớn với tổng mức đầu tư gần 200.000 tỷ đồng, trong đó, riêng 3 dự án là Kho cảng LNG Sơn Mỹ, Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ I và Sơn Mỹ 2 có tổng vốn đăng ký lên đến hơn 5,27 tỷ USD (tương đương 128.400 tỷ đồng). Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu, tỉnh cần phải làm nhiều công việc nữa để các dự án này giải ngân trên thực tế, lúc đó sẽ tạo ra sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng cho tỉnh. Trong bối cảnh Nhà nước giảm thuế suất một số sắc thuế, như thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường và giảm tiền sử dụng đất đến 30%, làm nguồn thu giảm tương ứng, nhưng nhờ nỗ lực cố gắng và dư địa phát triển, thu ngân sách của tỉnh đã đạt trên 10.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra.
Năm qua, tỉnh cũng tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết những bất cập trong phát triển kinh tế – xã hội. Chẳng hạn, đã tháo gỡ được vấn đề chồng lấn quy hoạch khoáng sản titan với các quy hoạch khác. Hơn 28 ngàn ha đất khu vực ven biển, thuận lợi cho phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ, năng lượng tái tạo nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản đã được đưa ra khỏi quy hoạch dự trữ; gần 48 ngàn ha khu vực dự trữ khoáng sản còn lại trước đây không thể đầu tư dự án, bây giờ đã được triển khai thực hiện dự án trên mặt, tạo thêm dư địa đất đai cho tỉnh kêu gọi đầu tư. Đây là “điểm nghẽn” phát triển tỉnh tìm cách tháo gỡ nhiều năm qua và nay đã có kết quả hơn mong đợi.
Với sự phát triển kinh tế khá tốt, GRDP bình quân đầu người đứng thứ 4/14 tỉnh, thành phố trong khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh tăng 5,1% so với năm 2022, nhiều hộ nghèo đã thoát nghèo. Bộ mặt đô thị, nông thôn tiếp tục được đầu tư chỉnh trang, có phần đẹp hơn, khang trang hơn trước. Quân sự – quốc phòng giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.
Những kết quả trên rất tích cực, là nền tảng, động lực để tỉnh tiếp tục tăng tốc phát triển trong năm 2024.
Vậy đâu là những điều mà tỉnh cần tập trung khắc phục và nỗ lực nhiều hơn, thưa đồng chí?
Đồng chí Dương Văn An – Bí thư Tỉnh ủy: Tuy có nhiều cố gắng, song, tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp dừng hoạt động và giải thể nhiều hơn so với năm 2022. Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch, nhiều công trình chậm tiến độ. Công tác quản lý đất đai, khoáng sản chưa chặt chẽ, lúng túng, nhiều đơn thư, phản ánh về lĩnh vực này chậm được giải quyết, gây bức xúc trong nhân dân. Cải cách thủ tục hành chính chưa có kết quả rõ rệt, còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, “hỏi qua hỏi lại” giữa các cơ quan chức năng, làm người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần khi làm thủ tục hành chính. Phát triển công nghiệp còn nhỏ lẻ, chưa có những nhà máy lớn, công nghệ cao. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm, nông nghiệp chưa hiện đại, bền vững, giá trị gia tăng chưa cao. Chất lượng y tế chưa đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân, trong đó, đội ngũ y bác sĩ còn thiếu về số lượng và hạn chế về trình độ; cơ sở vật chất các bệnh viện, phòng khám, trạm y tế xuống cấp. Thiết chế văn hóa, thể dục – thể thao, vui chơi, giải trí chưa được đầu tư nhiều. Vệ sinh môi trường ở đô thị, nông thôn chưa được xanh, sạch, đẹp; tình trạng xả nước thải, rác thải ra khu dân cư, khu công cộng, dọc các tuyến đường, kênh mương, ao hồ còn xảy ra nhiều nơi, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường sống cũng như môi trường du lịch. Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định cần phải tập trung khắc phục có hiệu quả những hạn chế trên để tạo động lực thúc đẩy phát triển trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
“Điểm sáng” trong công tác xây dựng Đảng
Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát động sâu rộng đợt sinh hoạt chính trị “Giữ trọn lời thề đảng viên” vào đầu năm 2023. Đồng chí có thể cho biết hiệu quả lớn nhất mà đợt sinh hoạt chính trị này đem lại là gì?
Đồng chí Dương Văn An – Bí thư Tỉnh ủy: Việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát động đợt sinh hoạt chính trị “Giữ trọn lời thề đảng viên” là cụ thể hóa thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Thông qua việc “ôn lại” lời thề trước cờ Đảng, cờ Tổ quốc, trước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh; lời hứa trước tập thể, cử tri và nhân dân khi được bổ nhiệm hay khi ứng cử vào cấp ủy, Hội đồng nhân dân, vào Ban Chấp hành các đoàn thể, mỗi đảng viên, nhất là đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo tự soi rọi lại kết quả thực hiện của bản thân trong thời gian qua, từ đó, rút ra những điều mình đã làm được, điều gì làm chưa tốt, điều gì mình hứa mà chưa làm, từ đó, tiếp tục rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu để thực hiện cho tốt những điều mình đã thề, đã hứa.
Đợt sinh hoạt chính trị “Giữ trọn lời thề đảng viên” bước đầu khơi dậy tinh thần trách nhiệm vì nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên tỉnh Bình Thuận. Mỗi lần tự soi rọi lại những lời đã tuyên thệ trước cờ Đảng sẽ giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên có thêm động lực mới để khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có thêm sức “đề kháng” để vượt qua những cám dỗ tầm thường, để luôn tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng.
Vượt qua thách thức, tăng tốc phát triển
Nền móng cho việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã vững chắc. Bình Thuận quyết tâm vượt qua thách thức, tiếp tục bứt phá, phát triển toàn diện, trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên.
* Vì sao năm nay tỉnh chọn chủ đề năm 2024 là “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp”?
Đồng chí Dương Văn An – Bí thư Tỉnh ủy: Chúng ta đang hướng tới mục tiêu xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm đối tượng phục vụ; nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Điều đó, đòi hỏi chính quyền phải đổi mới phương thức tiếp cận trong giải quyết các công việc, mà trước hết phải cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bình Thuận hiện vẫn là một tỉnh nghèo, thu không đủ chi, phải nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; chưa có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp có “tên tuổi” đầu tư các dự án lớn, tạo sức bật phát triển kinh tế – xã hội. Trong khi đó, dư địa phát triển của tỉnh còn nhiều, các thời cơ mới từ tiềm năng đất đai, tài nguyên thiên nhiên, từ tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, sân bay Phan Thiết, cảng tổng hợp Vĩnh Tân, từ các dự án “tỷ đô” đã được chấp thuận chủ trương đầu tư… là rất lớn. Vì thế, đòi hỏi tỉnh phải tạo được môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để thu hút đầu tư, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, làm ăn có lãi. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất phương thức tiếp cận là phải chuyển “trạng thái” từ chỗ “chờ” nhà đầu tư đến “xin” để “cho” sang săn đón, mời gọi, có như vậy mới thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, có năng lực, kinh nghiệm, uy tín, tâm huyết đầu tư vào tỉnh.
Cải cách hành chính, theo hướng vì dân phục vụ, vừa khắc phục những tiêu cực phát sinh vừa giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, thực hiện các thủ tục, tham gia giám sát, góp ý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về một số chủ trương, giải pháp nâng cao đời sống nhân dân đã nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo: “Đảm bảo sự công bằng trong phúc lợi xã hội, tiếp cận các dịch vụ hành chính công, chăm sóc sức khỏe và nâng cao đời sống tinh thần cho người dân”. Trong khi đó, đây là điểm yếu của tỉnh. Các chỉ số như Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số về sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) vẫn còn ở nhóm thấp trong cả nước; chỉ có Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công (PAPI) là có sự cải thiện đáng kể, nằm trong nhóm đầu của cả nước. Việc chọn chủ đề năm 2024 là “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp” là để tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém trên lĩnh vực này, nâng cao các chỉ số nêu trên.
Song song đó, chúng tôi sẽ làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để cán bộ, công chức nêu cao ý thức kỷ luật, trách nhiệm công tác; lấy hiệu quả công việc, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và từng cán bộ, đảng viên. Phát huy hơn nữa vai trò nêu gương, vai trò “đầu tàu” của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để lãnh đạo, truyền động lực, tinh thần, thái độ làm việc cho cấp dưới; đồng thời, nghiên cứu những cơ chế, giải pháp hiệu quả để bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; khắc phục tình trạng cán bộ, công chức né tránh trách nhiệm, đùn đẩy công việc.
Thông qua chủ đề năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy mong muốn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nỗ lực làm việc bằng cả trách nhiệm và tình cảm, có tâm và tầm; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình và hoàn thành nhiệm vụ chung của tỉnh.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một số định hướng lớn trong tầm nhìn phát triển của tỉnh Bình Thuận là gì?
Đồng chí Dương Văn An – Bí thư Tỉnh ủy: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp tỉnh định hình được tầm nhìn, không gian phát triển, mở ra những tiềm năng mới, cơ hội mới để thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển nhanh, mạnh, bền vững của Bình Thuận.
Quy hoạch tỉnh đề ra mục tiêu chung đến năm 2030, Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững; mạnh, giàu từ biển, có thu nhập bình quân đầu người cao hơn mức bình quân của vùng và của cả nước; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển mang tầm quốc gia, quốc tế; một trong những trung tâm năng lượng xanh của cả nước.
Những yếu tố này là nền tảng để đến năm 2050, Bình Thuận trở thành cực phát triển quan trọng của khu vực duyên hải Trung bộ, có kinh tế biển phát triển mạnh, bền vững, cơ cấu kinh tế hiện đại; là trung tâm năng lượng sạch, trung tâm cung cấp dịch vụ du lịch quốc gia.
Để đạt được mục tiêu đó, Quy hoạch tỉnh đã xác định một số định hướng lớn.
Một là, trong lĩnh vực kinh tế, sẽ tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp sản xuất điện; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các vùng sản xuất tập trung; phát triển mạnh du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng tỉnh Bình Thuận trở thành Trung tâm Du lịch – Thể thao biển mang tầm quốc gia – quốc tế.
Tỉnh cũng ưu tiên phát triển dịch vụ vận tải, logistics trở thành ngành kinh tế quan trọng, đưa Bình Thuận trở thành một trong những trung tâm logistics của khu vực Nam Trung bộ và Nam Tây Nguyên.
Hai là, trong việc bố trí không gian phát triển mới, sẽ thực hiện theo nguyên tắc “Một trục động lực – Hai trục liên kết – Ba trung tâm – Ba hành lang phát triển”; cụ thể:
– Trục động lực là trục Đông Bắc – Tây Nam gắn với đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia và quốc lộ 1A.
– Hai trục liên kết là liên kết du lịch gắn du lịch biển của Bình Thuận với du lịch núi rừng của vùng Tây Nguyên và liên kết sản xuất gắn với nguồn tài nguyên khoáng sản, nông lâm sản vùng Tây Nguyên kết hợp với tài nguyên khoáng sản, nông lâm, thủy sản Bình Thuận.
– Ba trung tâm là trung tâm tỉnh (khu vực thành phố Phan Thiết và phụ cận), trung tâm phía Nam (hạt nhân là đô thị La Gi) và trung tâm phía Bắc (hạt nhân là đô thị Liên Hương).
– Ba hành lang phát triển gồm: Hành lang phát triển gắn với trục động lực; hành lang ven biển và hành lang hỗ trợ phát triển kết nối các khu vực phía Tây, Tây Bắc của tỉnh, hướng tới mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Ba là, phấn đấu đến năm 2030, tỉnh sẽ hoàn thành việc đầu tư 10 khu công nghiệp, 38 cụm công nghiệp; tập trung phát huy các khu vực có vai trò động lực của tỉnh là thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi, huyện Tuy Phong, các khu công nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, nghiên cứu hình thành khu công nghệ cao và khu kinh tế ven biển.
Bốn là, ưu tiên đầu tư một số dự án, công trình trọng điểm giao thông gồm: Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 28B, quốc lộ 55; xây dựng mới Cảng hàng không Phan Thiết và đường kết nối Cảng hàng không Phan Thiết đến cao tốc, quốc lộ, ga đường sắt và khu vực ven biển ở phía Bắc thành phố Phan Thiết; tuyến đường ven biển từ phía Bắc đến phía Nam tỉnh trong đó có cầu tại cửa sông Cà Ty và cửa sông Phú Hài; các tuyến đường sắt nhẹ đô thị kết nối sân bay với các khu du lịch, trung tâm thành phố Phan Thiết; nâng cấp các cảng biển Vĩnh Tân, cảng Phan Thiết, cảng Phú Quý; xây mới cảng tổng hợp Sơn Mỹ và một số cảng du thuyền. Tầm nhìn xa hơn, sẽ xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Vĩnh Hảo – Liên Khương, tiếp tục nâng cấp quốc lộ 1A, quốc lộ 28; hình thành Trung tâm logistics sân bay Phan Thiết và Trung tâm Logistics cảng biển tại huyện Tuy Phong.
Sắp tới, tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư để người dân, doanh nghiệp biết đầy đủ hơn và giới thiệu tiềm năng, cơ hội phát triển để mời gọi các nhà đầu tư đến với tỉnh.
Đón xuân Giáp Thìn 2024, đồng chí hãy chia sẻ, gửi gắm vài lời đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tỉnh nhà?
Đồng chí Dương Văn An – Bí thư Tỉnh ủy: Một mùa xuân mới đang về, mang theo khát vọng, niềm tin và khí thế mới. Cơ hội và triển vọng phát triển của Bình Thuận đã khác rất nhiều so với trước đây, song vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Việc chúng ta cần làm là biến khó khăn, thách thức thành động lực để phát triển, biến yếu tố bất lợi thành “kho báu”, biến tiềm năng thành của cải vật chất, biến cơ hội thành những thành tựu cụ thể. Quá trình đó, rất cần sự đoàn kết, chung tay, nỗ lực, cố gắng của toàn thể cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà. Bằng sự nỗ lực, quyết tâm, chúng ta hoàn toàn có thể nâng quy mô kinh tế của tỉnh, nâng cao sức cạnh tranh, cải thiện các thứ hạng của tỉnh trong khu vực và trên cả nước, hoàn thành các “đặt hàng” của lãnh đạo Đảng, Nhà nước như: Hoàn thành Cảng Hàng không Phan Thiết để “mở cửa bầu trời”; tự chủ ngân sách vào năm 2025; sớm trở thành trung tâm năng lượng lớn của cả nước, trung tâm du lịch – thể thao biển mang tầm quốc gia; trở thành một nơi đáng sống, một mảnh đất hấp dẫn các nhà đầu tư, một cực tăng trưởng mới trong khu vực và người dân Bình Thuận sẽ có cuộc sống giàu có hơn, hạnh phúc hơn.
Nhân dịp năm mới 2024 và đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn, tôi trân trọng gửi tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh lời chúc mừng năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, an khang và thịnh vượng!
Xin cảm ơn đồng chí Bí thư, chúc đồng chí cùng gia đình một năm mới an khang, hạnh phúc!