Qua gần 30 năm phát triển, thế mạnh của du lịch Bình Thuận là dịch vụ nghỉ dưỡng biển với những bãi biển cát trắng hoang sơ.
Để phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, Bình Thuận đang tích cực chuyển đổi sang mô hình du lịch xanh như một hướng đi tất yếu. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, những năm gần đây địa phương đã có chính sách, doanh nghiệp (DN) được tuyên truyền song tiến độ xanh hóa còn chưa như kỳ vọng.
Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, thông tin DN du lịch đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất theo hướng tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu tác động đến môi trường. Ví dụ, cơ sở lưu trú sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, giảm tối đa sử dụng nhựa, ưu tiên mảng xanh trong thiết kế… “Dù vậy, địa phương vẫn còn hạn chế về hạ tầng hỗ trợ du lịch xanh như giao thông công cộng thân thiện với môi trường, cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn xanh cũng như các khoản hỗ trợ tài chính, ưu đãi cho DN du lịch xanh” – ông Nhân nêu thực thế.
Theo chuyên gia kinh tế – TS Trần Du Lịch, để phát triển du lịch xanh, đầu tiên là phải sử dụng năng lượng tái tạo, tiếp đến là tôn trọng thiên nhiên và bảo tồn văn hóa địa phương. “Việc tôn trọng văn hóa địa phương, sự công bằng trong cộng đồng du lịch là rất quan trọng vì không thể phát triển du lịch mà dân địa phương không được hưởng lợi từ hoạt động này” – ông Lịch lưu ý.
Gợi mở thêm hướng đi, TS Trần Du Lịch cho rằng cần thay đổi nhận thức và hành động của DN song song với đặt giải pháp phát triển du lịch trong tổng thể giải pháp chuyển đổi kinh tế địa phương tăng trưởng bền vững. “Bình Thuận cần chuyển đổi kinh tế nói chung. Trong đó, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là định hướng bao trùm trong 10 năm tới; lấy chuyển đổi xanh về du lịch đi trước, tạo nền móng để chuyển đổi cả nền kinh tế theo tiêu chí xanh và số” – TS Lịch nói.
Nguồn: https://nld.com.vn/binh-thuan-phat-trien-du-lich-xanh-196241208190359586.htm