1. Trong mọi hoạt động, chủ thể tiến hành cần sự thuần thục trong các thao tác. Bên cạnh đó, sự bền bỉ, cộng với sự chú tâm, sẽ dễ đem lại hiệu quả. Theo nghĩa thông thường, bền bỉ là sự chịu đựng nặng nhọc, khó khăn được lâu dài, khi tiến hành một công việc nào đó, có độ khó nhất định.
Bác Hồ, vị lãnh tụ vô cùng kính yêu của dân tộc ta, đã từng nói về sự bền bỉ, sự quyết tâm trong công việc. Trong chuyến công tác kiểm tra việc sửa chữa cầu đường từ Thái Nguyên đi Cao Bằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp Đội Thanh niên xung phong 312 tối ngày 20/3/1951, đang làm đường ở Nà Cù, thuộc huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn. Người đã tặng Đội Thanh niên xung phong ấy bốn câu thơ: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”.
2. Đã có không ít câu nói của những người nổi tiếng khác nói về sự bền bỉ. Benjamin Franklin đã từng viết: “Nghị lực và bền bỉ có thể chinh phục mọi thứ”. Một tác giả khác cũng đã viết về tác dụng của sự kiên nhẫn, bền bỉ: “Kiên nhẫn, bền bỉ và đổ mồ hôi là sự kết hợp không thể đánh bại của thành công” (Napoleon Hill). Có tác giả còn cho rằng: Theo đuổi một công việc một cách bền bỉ, là bước không thể thiếu để dẫn đến thành tựu trong công việc: “Bốn bước dẫn tới thành tựu: Lên kế hoạch có mục đích; chuẩn bị chuyên tâm; tiến hành tích cực; và theo đuổi bền bỉ” (William Arthur Ward). Sự nỗ lực trong tiến trình thực hiện các công việc rất cần thiết đối với bản thân mỗi người. Sự nỗ lực ấy luôn đi kèm với sự bền bỉ, dễ giúp chủ thể hoạt động gặt hái những thành công. Elbert Hubbard đã viết về điều ấy: “Thêm một chút bền bỉ, một chút nỗ lực và điều tưởng chừng như là thất bại vô vọng có thể biến thành thành công rực rỡ”.
3. Thực tế cuộc sống cho thấy: Các học sinh, sinh viên cần độ bền bỉ trong học tập, thực hành, nghiên cứu. Chúng ta biết rằng, học tập là một quá trình lâu dài, cần có thời gian, người học tích lũy kiến thức một cách có hệ thống, rèn luyện kỹ năng cần có trong học tập đối với từng môn học riêng biệt qua nhiều bài tập thực hành. Học sinh cần chú tâm nghe giảng, bền bỉ, chịu khó trong thực hành, từng chút một, theo thời gian, ở những lớp khác nhau, tiếp nối nhau.
Đối với sinh viên, việc thực tập cuối khóa là cần thiết. Quá trình thực tập sẽ giúp các em có điều kiện tiếp cận với thực tế công việc, bổ trợ cho lý thuyết. Từ thực tế tiếp cận với công việc ở đơn vị thực tập, giúp các em có sự so sánh. Từ sự bền bỉ trong quan sát công việc trên thực tế, giúp các em hình thành Báo cáo thực tập tốt nghiệp, dễ đề xuất những giải pháp có tính khả thi cao đối với đơn vị thực tập từ góc nhìn lý thuyết đến thực hành.
Đối với các học viên cao học và cả nghiên cứu sinh, cần có sự bền bỉ, chịu khó trong nghiên cứu nhiều nguồn tài liệu, khảo sát thực tế. Trên nền tảng của những giới thuyết khoa học căn bản, càng khảo sát rộng đối tượng nghiên cứu, càng bền bỉ trong nghiên cứu, đào sâu suy nghĩ, càng dễ rút ra những điều mới mẻ trong nghiên cứu, góp phần hình thành, hoàn chỉnh luận văn cao học, luận án tiến sĩ, nhất là đối với những đề tài có ý nghĩa sát sườn với đời sống. Lại nhìn gần gũi hơn với những người lao động quanh mình: Những người thợ xây bền bỉ xây dựng những ngôi nhà, những công trình, từng ngày, từng ngày một, từng công đoạn, hết phần này, sang phần khác, từ móng, đến vách, đến lên tầng, rồi hoàn thiện. Mỗi công đoạn, cần sự chú tâm, đòi hỏi cách làm khác nhau. Có công đoạn dễ, công đoạn khó hơn. Tất cả, cần sự bền bỉ của người thợ, và cả của người có trách nhiệm giám sát công trình.
Những nhân viên tiếp thị các mặt hàng của công ty kinh doanh cũng cần sự kiên trì. Sự chịu khó hướng dẫn tỉ mỉ về tính năng của sản phẩm đối với khách mua một cách nhẹ nhàng, khéo léo, bền bỉ sẽ giúp công ty bán được nhiều sản phẩm.
Đối với người làm công tác chuyên môn trong các cơ quan nhà nước cũng cần sự chú tâm và bền bỉ trong công việc tham mưu. Trên nền tảng của những hiểu biết về chuyên môn, những quy định của cơ quan cấp trên, người tham mưu cho lãnh đạo ban hành các quyết định cần nghiên cứu kỹ văn bản quy định, nắm vững thực trạng, từ đó đề xuất lên lãnh đạo phương án giải quyết. Sự bền bỉ là cần thiết đối với cán bộ tham mưu trong không ít sự việc cụ thể.
4. Có biết bao nghề, biết bao việc, biết bao tình huống đòi hỏi người lao động, người có trách nhiệm giải quyết phải thật nỗ lực, thật chú tâm, kiên trì, bền bỉ trong công việc mới đem lại hiệu quả cuối cùng. Robert Collier quả đã đúng khi viết rằng: “Thành công là tổng của những nỗ lực nhỏ bé, lặp lại ngày qua ngày.” Suy nghĩ ấy cũng gần gũi với Aesop khi ông nói: “Từng chút từng chút một là bí quyết thành công”.
Sự lặp lại của rất nhiều nỗ lực từng ngày, hay tiến hành từng chút một công việc, liên tục trong nhiều khoảng thời gian nối nhau, phải chăng, chính là sự biểu hiện của tính bền bỉ trong việc làm, trong hành động của những chủ thể?
Thực tế cuộc sống muôn màu, muôn vẻ. Hầu như mọi công việc đều đòi hỏi người làm phải bền bỉ, phải thật nỗ lực, chú tâm, mới đem lại những thành công. Sự bền bỉ ấy, cả đối với lao động chân tay lẫn lao động trí óc.