Những năm gần đây, dưới sự tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng triều cường, bão lũ với cường độ ngày càng gia tăng. Do đó, đã gây ra tình trạng xâm thực, sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh Bình Thuận rất nghiêm trọng.
Gia tăng sạt lở bờ biển
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay toàn tỉnh đang bị sạt lở khoảng 26/192 km, có những nơi biển xâm thực sâu vào bờ gần 100 m. Đơn cử, khu vực Hàm Tiến – Mũi Né so với đường bờ năm 2006, biển xâm thực từ 20 – 50 m. Nguyên nhân sạt lở được xác định chủ yếu do triều cường kết hợp với sóng lớn. Đáng chú ý, những năm qua sạt lở bờ biển chủ yếu xảy ra ở các địa phương như Tuy Phong, Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, thị xã La Gi và huyện Hàm Tân. Trong đó, diện tích sạt lở lớn nhất tại Phan Thiết 8,6 km và Tuy Phong 8 km.
Liên quan đến nội dung này, vừa qua Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội thảo “Giải pháp đầu tư xây dựng công trình bảo vệ bờ biển tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh”, với sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh, một số viện, trường, nhà khoa học, sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan.
Tại hội thảo, TS. Lương Thanh Sơn – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh nhấn mạnh: Bình Thuận có chiều dài bờ biển 192 km, có vị trí rất quan trọng về chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tỉnh có 11 đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Phú Quý có vị trí chiến lược về kinh tế biển, quốc phòng – an ninh… Tuy nhiên những năm gần đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng triều cường, bão lũ với cường độ ngày càng gia tăng đã gây ra tình trạng xâm thực, sạt lở bờ biển rất nghiêm trọng. Để giảm thiệt hại do sạt lở bờ biển, trong thời gian qua tỉnh đã đầu tư nhiều công trình xây kè biển để giảm thiểu thiệt hại. Nhưng việc đầu tư các công trình gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, công nghệ, kỹ thuật ứng dụng cho xây dựng kè biển…
Cần giải pháp căn cơ
Ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, toàn tỉnh đã xây dựng được gần 27 km kè biển, trong đó có 21,56 km kè kiên cố (riêng Phú Quý 5,06 km) và 5,32 km kè tạm. Riêng khu vực Hàm Tiến – Mũi Né, giai đoạn trước tháng 3/2018 chủ yếu sử dụng kè mái nghiêng bê tông hoặc kè xây đá chẻ. Từ năm 2018 trở đi, thường sử dụng kè tạm ống cát geotube. Tuy nhiên, giải pháp làm kè tạm bằng ống cát geotube chỉ mang tính chất tạm thời với tuổi thọ công trình dưới 5 năm. Vì vậy, cần có giải pháp căn cơ, lâu dài cho khu vực Hàm Tiến – Mũi Né.
Tại hội thảo này, các đại biểu, các nhà khoa học, cơ quan quản lý đã chia sẻ, trao đổi, làm rõ thêm những khó khăn trong công tác xây dựng kè biển. Đồng thời chia sẻ thêm những kinh nghiệm hay thực tiễn xây dựng kè biển ở trong và ngoài tỉnh để trên cơ sở đó cung cấp thêm thông tin, đề xuất thêm một số mô hình giải pháp xây dựng kè biển phù hợp trong thời gian tới, góp phần phát triển du lịch, kinh tế – xã hội của tỉnh.
Theo đó, một số nhà khoa học nhấn mạnh, bờ biển Bình Thuận được thiên nhiên ban tặng rất đẹp. Qua thời gian đã bị sạt lở, uy hiếp dân sinh, hạ tầng ven biển, bồi lắng gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào nơi trú tránh bão… Nhiệm vụ đặt ra là điều chỉnh lại, theo cách tôn trọng quy luật tự nhiên, không tác động thô bạo vào dải ven bờ. Cùng với đó, các nhà khoa học đề xuất giải pháp tổng thể là mô phỏng mô hình tính toán chế độ thủy lực, bùn cát vùng ven bờ, để bố trí tuyến bờ hợp lý nhất, ổn định nhất, ít xói bồi gây thiệt hại lớn. Về giải pháp chống xói lở cho các khu vực đang uy hiếp cuộc sống, nhà cửa của người dân, cần phải thực thi các công trình khẩn cấp, tốt nhất là xây dựng kè mềm giảm sóng gây bồi…
Chỉ đạo về các giải pháp liên quan tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu và cụ thể hóa nhiệm vụ được giao để triển khai thực hiện các công trình bảo vệ bờ biển trên địa bàn tỉnh. Đối với việc đầu tư xây dựng các tuyến kè chống xói lở bờ biển, cần nghiên cứu sâu hơn nữa, trước mắt tham mưu, đề xuất UBND tỉnh triển khai thí điểm nghiên cứu chuyên sâu ở một số khu vực bị xói lở của tỉnh. Trong quá trình thẩm định, cấp phép, chú ý giải pháp kỹ thuật, thiết kế, vật liệu, giám sát đảm bảo chất lượng công trình. Đối với khu vực các bãi tắm, bờ biển của tỉnh đã có định hướng phát triển du lịch, không được sử dụng cấu kiện đá đổ để xây dựng các tuyến kè. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, xói lở bờ biển hiện nay diễn ra rất phức tạp, do đó nhiệm vụ bảo vệ bờ biển rất khó khăn, cần nhiều kinh phí. Vì thế, tỉnh mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực này quan tâm, đồng hành, hỗ trợ, tư vấn cho Bình Thuận thực hiện tốt nhiệm vụ chống xói lở bờ biển trong thời gian tới.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/ban-giai-phap-dau-tu-xay-dung-cong-trinh-bao-ve-bo-bien-124632.html