BTO-Sáng 17/1, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức hội nghị để thảo luận cho ý kiến đối với Dự thảo (lần 2) Báo cáo chính trị và Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2025-2030.
Các đồng chí Nguyễn Hoài Anh – Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Hồng Sỹ – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Cho ý kiến vào dự thảo báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm, hầu hết các đại biểu thể hiện sự nhất trí đối với dự thảo báo cáo và cho rằng báo cáo đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, khoa học, có tính toàn diện; các phần, các mục của dự thảo được trình bày hợp lý. Các đại biểu cũng đã tập trung phân tích và cho ý kiến vào kết quả đánh giá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; phương hướng chung; các chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2025-2030. Đồng thời đề nghị bổ sung những vấn đề, nội dung để báo cáo có tính toàn diện hơn.
Dự thảo lần 2 Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ gồm 2 phần: Phần thứ nhất: Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 -2025; Phần thứ hai: Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và phát triển 5 năm (2025-2030). Theo đó, Dự thảo báo cáo nêu: Nhiệm kỳ 2020 – 2025, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, toàn hệ thống chính trị đã cố gắng, nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đạt nhiều kết quả tích cực ở trên tất cả các lĩnh vực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng hướng; 3 trụ cột kinh tế tiếp tục có sự phát triển về quy mô và chất lượng. Hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Các nguồn lực cho đầu tư phát triển tiếp tục được huy động nhiều hơn và tăng dần qua các năm, Bình Thuận đang thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư của các tập đoàn, nhà đầu tư lớn. Các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống nhân dân được triển khai đầy đủ, kịp thời. Bộ mặt đô thị, nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục có nhiều khởi sắc. Quốc phòng – an ninh được tăng cường; công tác phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội được đẩy mạnh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, không để xảy ra bị động, bất ngờ. Công tác xây dựng Đảng, công tác dân vận đạt kết quả toàn diện và tiếp tục đi vào chiều sâu. Niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố, khối đoàn kết toàn dân được tăng cường; dân chủ, kỷ cương được phát huy tốt hơn.
Về nhiệm kỳ 2025-2030, Dự thảo đề ra mục tiêu phát triển là: Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước các cấp; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, văn hóa và con người Bình Thuận và các tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường chuyển đổi số, từng bước chuyển đổi xanh, tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ, kinh tế biển, nông nghiệp công nghệ cao, bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng Bình Thuận phát triển toàn diện về kinh tế, bền vững về môi trường, công bằng về xã hội, tạo sự chuyển biến, bứt phá phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Dự thảo đề ra chỉ tiêu chủ yếu như: Giai đoạn 2026 – 2030 – Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 8% – 8,5%/năm ; Bình quân hàng năm, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn so với GRDP 35 – 40 %; huy động GRDP vào ngân sách (chưa tính thuế xuất nhập khẩu) 7% – 8%; chi đầu tư phát triển chiếm 35% tổng chi ngân sách địa phương; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,4 – 0,6%; năng suất lao động tăng trên 7%. Bình quân hàng năm có trên 90% tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên được đánh giá, xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có ít nhất 15% tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; phát triển 2.000 đảng viên; từ 95 % tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên… Dự thảo cũng đã nêu lên 4 nhiệm vụ trọng tâm, 4 khâu đột phá.
Kết luận tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh đánh giá cao các ý kiến đóng góp tại hội nghị, yêu cầu Tổ biên tập tiếp thu, chắt lọc để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện báo cáo chính trị, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đồng thời mong muốn các đại biểu tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động rà soát, cập nhật tình hình cụ thể, các giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ tới để bổ sung vào báo cáo, đảm bảo làm sao các Văn kiện, nhất là Báo cáo Chính trị và Báo cáo kiểm điểm đúng, sát với thực tế và các phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu đảm bảo tính khả thi để phấn đấu đưa tỉnh Bình Thuận tăng trưởng ngày càng mạnh mẽ hơn trong thời gian đến.
Thông tin thêm, Bí thư Tỉnh uỷ cho biết: Năm 2024, qua thống kê, tốc độ tăng trưởng GRDP của Bình Thuận tăng 7,25%, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của cả nước là 7,09%. Còn quy mô nền kinh tế của Bình Thuận, theo số liệu thống kê của Cục Thống kê công bố, Bình Thuận đạt 128 ngàn tỷ đồng, đứng thứ 26 trên tổng số 63 tỉnh thành, trong khi đó tỉnh đứng thứ 25 là Bình Định và tỉnh đứng thứ 27 là tỉnh Khánh Hoà. Điều đó cho thấy, Bình Thuận không còn phải là tỉnh nghèo, khó. Chính vì vậy, những lợi thế tiềm năng của Bình Thuận cần phải phát huy hơn nữa để đẩy tốc độ tăng trưởng của GRDP lên được 2 con số như định hướng của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, góp phần cùng với cả nước phát triển, vươn mình cùng dân tộc.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/ban-chap-hanh-dang-bo-tinh-cho-y-kien-vao-du-thao-bao-cao-chinh-tri-dai-hoi-dang-bo-lan-thu-xv-127388.html