“… Tôi đi giữa hoàng hôn/ Khi ánh chiều buông/ Khi nắng còn vương/ Một mình tôi ngắm cánh chim lạc loài/ Mà lòng mình thấy u hoài…”.
(Bài hát “Tôi đi giữa hoàng hôn” – Văn Phụng)
Tôi sinh ra rồi lớn lên trong nghèo khó ở một làng chài gần ngọn Hải đăng Kê Gà. Từ 1959, những buổi chiều dạo chơi trên bãi biển tôi hát: “Tôi đi giữa hoàng hôn”, thời con nít, nghĩ lại tôi cũng quá lãng mạn mà mình không biết! Và đến năm 1960, tôi bỏ những buổi chiều hoàng hôn trên bãi biển, xa làng chài nghèo để lên tỉnh học.
Có hai bài hát Slow Rock đầu tiên làm mưa làm gió ở miền Nam thời bấy giờ, đó là bài “Tôi đi giữa hoàng hôn” của Văn Phụng và bài “Kiếp tha hương” của Lam Phương. Tôi chọn “Tôi đi giữa hoàng hôn” để làm nền cho bài viết “Bà già hoàng hôn” này. Đây là một bà già có thật, tôi thấy bà từ năm 2010, bây giờ không thấy bà nữa.Và cũng từ dạo “bà già hoàng hôn” đi vào đêm tối, tôi cũng không còn trở lại quán cà phê này, vì không còn gì để vui.
Tôi cư ngụ ở TP. Hồ Chí Minh từ những ngày chiến tranh vừa chấm dứt, tôi không phải là dân sài thành chính hiệu. Mỗi buổi hoàng hôn từ một quán cóc vỉa hè ở ngoại ô tôi ngồi uống cà phê để “nghe” chiều xuống…
Uống cà phê chỉ là cái cớ để ngắm hoàng hôn… và tôi để ý một bà già lưng còng bước chậm và đều trên một hành lang ngắn. Chiều nào cũng vậy, chỉ trừ trời mưa. Bà đi qua đi lại cho đến khi hoàng hôn tắt. Tôi gọi bà là “Bà già hoàng hôn”.Và có lần hỏi bà, sao không đi buổi sáng, bà nói, buổi sáng bận nhiều việc lắm… Tôi nghĩ, té ra, chừng tuổi này bà “cũng còn nhiều việc lắm!”.
Dù bước đi hơi yếu, nhưng nhìn đôi chân có vẻ cương quyết, nên chiều nào cũng thấy bà đi, mà chỉ đi đến một điểm nhất định rồi quay lại từ điểm xuất phát. Bà có gậy, nhưng không chống gậy, hai tay vòng phía sau nắm chặt cây gậy và hình như chỉ có tư thế này mới không làm bà ngã chúi (và bà cầm gậy chỉ để hậu thân khi té).
Bao nhiêu hoàng hôn rồi vẫn thế, và tôi sợ một hoàng hôn nào đó sẽ không còn thấy bà! Nhìn bà, tôi thấy nhớ mẹ tôi. Mẹ tôi qua đời sau hòa bình được vài năm, nghĩa là khác bà ở chỗ mẹ tôi chưa được hưởng hòa bình, dù cho mẹ tôi đã từng đau khổ vì chiến tranh nên lúc nào mẹ tôi cũng ao ước hòa bình!
Vẫn biết rằng sinh lão bệnh tử là khó tránh khỏi, nhưng con người ai mà không “tham sanh, úy tử”. Cũng như cuộc đời này có nhiều cái cuối: cuối sông, cuối đường, cuối mùa, cuối năm… tất cả cái cuối ấy có thể trở lại từ đầu, riêng chỉ có cuối… đời là không trở lại được!
Bao nhiêu năm nay, tôi quan sát bà, lưng bà hình cánh cung, lúc bước đi, mặt đường và mặt bà tưởng chừng như là hai đường thẳng song song, đôi lúc bà gượng ngước nhìn phía trước để xác định điểm đến, rồi quay lại, rồi tiếp tục bước chầm chậm…
Làm quen với bà, tôi mới biết bà là dân Quảng Trị vào Sài Gòn trốn chiến tranh từ năm 1974. Bà nói rằng đói nghèo bà không sợ, bà chỉ sợ máy bay, đại bác… Và bà bắt đầu ôn lại những đau thương của những năm tháng chiến tranh… Ôi, đây là một “bà già thời sự”.
Nghe bà kể chuyện, tôi thấy cuộc đời bà rất giống cuộc đời mẹ tôi:
– Cũng một thời đờ đẫn trên ruộng rẫy, nương khoai… tấm lưng đã từng hứng những trận mưa buốt giá, những ánh nắng thui da, khum lưng nhổ mạ cấy lúa, cuốc xới, hái lượm, gồng gánh, mang cõng… tất cả là để nuôi con. Sức chịu đựng của tấm lưng tưởng chừng như dẻo dai bền bỉ ấy đang thách thức với thời gian, nhưng thời gian thì vô hạn, và con người thì hữu hạn, và tấm lưng đến hạn, phải liệt xuống không bật lên được!
Còng lưng và lưng còng “hai trong một” tưởng gần gũi nhau, lại hóa ra là một khoảng cách quá xa của cuộc đời. Còng lưng để mưu sinh, nếu không thoát khỏi đói nghèo vẫn phải tiếp tục còng lưng cho đến khi lưng còng… Và còng lưng đã để lại hậu quả lưng còng.
Bà già lưng còng đi tập thể dục vào những buổi hoàng hôn không phải để được sống lâu, mà chỉ ước muốn rằng nếu còn sống hãy cho bà một ít sức khỏe để gần gũi với con cháu ngày nào tốt ngày đó.
Và sẽ có một ngày… bà già lưng còng nằm xuống để được… thẳng lưng vĩnh viễn rời xa cuộc đời… Tôi xin lỗi bà phải nói câu này, vì tôi cũng đã từng nói với mẹ tôi rằng, khi nào mẹ nằm thẳng lưng và không dậy nữa, thì cuộc đời mẹ đã được giải thoát!
Chiều nay hoàng hôn xuống chầm chậm… mặt trời như hòn bi đỏ lòm khuất sau những tòa cao ốc, bà già hoàng hôn cũng khuất sau dãy nhà lụp xụp ở ngoại ô nghèo, còn tôi một mình thầm hát trong tôi:
“… Một mình tôi ngắm cánh chim lạc loài
Mà lòng mình thấy u hoài…”.