Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đang được Bình Thuận triển khai đồng bộ, là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh ở cơ sở. Trong đó, việc xây dựng mô hình “Ánh sáng an ninh” mà các địa phương, đơn vị trong tỉnh thực hiện trong thời gian qua chính là cách làm tiêu biểu thúc đẩy nông thôn phát triển.
Hơn 6 tháng nay, thôn Thanh Bình, xã Sông Bình (Bắc Bình) đã bừng sáng hơn nhờ có những bóng đèn “ánh sáng an ninh”. Tại 3 “điểm đen” ở các tuyến đường giao nhau trong thôn đều được lắp bóng đèn năng lượng mặt trời, trích từ nguồn quỹ của các hội viên phụ nữ đóng góp. Như vậy từ những tuyến ánh sáng an ninh đầu tiên cách đây 3 năm, đến nay mô hình nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân. Ánh điện không những xua tan bóng tối, xua đi tệ nạn xã hội luôn có nguy cơ rình rập, đe dọa cuộc sống của người dân mà còn đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” dần đi vào vào thực chất.
Chị Đinh Thị Yến – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Sông Bình cho biết: “Từ ngày có thêm ánh đèn đường, buổi tối người dân mạnh dạn tới nhà văn hóa thôn tập nhảy dân vũ, luyện hát dân ca, những trận bóng chuyền hơi cũng kéo dài thêm. Ngay cả các buổi sinh hoạt hội, thôn cũng đông đủ hơn rất nhiều. Vì thế mà nhiều chủ trương, chính sách của tỉnh, địa phương được phổ biến kịp thời; câu chuyện phát triển kinh tế cũng được bàn tán, trao đổi sôi nổi và tình đoàn kết xóm làng thêm thắt chặt.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, kinh tế phát triển đồng thời những mặt trái xã hội cũng phát sinh làm cho tình hình an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở diễn biến phức tạp hơn. Đó là tâm lý bất an khi tệ nạn trộm cắp, tai nạn giao thông thường xảy ra vào ban đêm ở các vùng nông thôn. Trước tình hình bất ổn trên, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể địa phương cùng với lực lượng công an và mạnh thường quân đã phối hợp xây dựng các mô hình như “Ánh sáng an ninh”, “Thắp sáng đường quê”.
Được xây dựng xuất phát từ nhu cầu thực tế nên mô hình nhận được sự đồng thuận của người dân trên tinh thần tự nguyện, đoàn kết. Mỗi hộ đóng góp kinh phí để trồng trụ, kéo dây, bắt bóng tiết kiệm, mua tấm pin năng lượng… và hàng tháng góp từ 10.000 – 20.000 đồng tiền điện, chi phí bảo trì. Nhờ đó tội phạm các loại đã giảm mạnh, làng xóm văn minh và sạch đẹp hơn. Tương tự cách làm trên, nhiều địa phương đã phát động lắp đặt camera an ninh, xây dựng khu dân cư đảm bảo an toàn giao thông… Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện hơn 650.000 km công trình “Ánh sáng an ninh” và hơn 100 tuyến đường “Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp – An toàn”.
Để các mô hình tiếp tục duy trì phát huy hiệu quả ở cơ sở, hiện các địa phương đang tiếp tục tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tuyên truyền hộ dân trên các tuyến đường tham gia vào quá trình vận hành, bảo quản và phát huy các nguồn lực sao cho 100% các tuyến đường được lắp đèn chiếu sáng, nhất là tuyến đường giao thông ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó kết hợp xây dựng, nhân rộng trồng hoa dọc tuyến, trụ sở thôn, khu phố đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan “Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp – An toàn”, tạo môi trường văn hóa, xã hội lành mạnh, ổn định ở khu dân cư và từng địa bàn thôn, khu phố.