Hầu hết những du khách đến Bình Thuận tham quan, nghỉ dưỡng, khi trở về đều chọn nước mắm Phan Thiết làm quà cho người thân, bạn bè. Theo thời gian, những cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống đã đầu tư công nghệ, nhãn mác, kiểu dáng chai, marketing… nên những chai nước mắm đến tay người tiêu dùng không chỉ chất lượng, mà còn mang nhiều thông điệp quảng bá du lịch địa phương.
Nghe thôi đã muốn… thử
Vào trang facebook của Nước mắm Tròn, đọc những dòng tự sự rất giản dị, mộc mạc nhưng chứa đựng nhiều thông điệp cho ai đó vô tình ghé ngang tường. Tôi cảm nhận ngay tình cảm yêu thương đong đầy của một gia đình truyền thống vùng biển. “Thùng mắm cá “ngon” má muối để dành riêng cho tụi nó để dành bán đã chín, nay Tròn lại ngoi lên bán mắm cho má. Với kinh nghiệm hơn 30 năm muối nước mắm cá cơm và với lương tâm nghề nghiệp, má mần ra những lít mắm nhỉ ngon và lành, chỉ từ cá cơm tươi và muối biển tinh sạch, ủ chượp hoàn toàn tự nhiên, không chất bảo quản, hương vị đúng chuẩn nước mắm truyền thống. Má lớn tuổi rồi chỉ còn muối ít để giữ nghề, má để riêng thùng mắm cá cơm than to và tươi, cho ra nước mắm chất lượng cả mùi vị lẫn hương thơm, để con đem đi giới thiệu cho khách phương xa, với mong muốn nhiều người được trải nghiệm hương vị thật sự của nước mắm truyền thống – thứ quốc hồn quốc túy của Việt Nam nhưng bị vùi dập bởi làn sóng “nước chấm” công nghiệp. Mắm được chỉn chu đóng trong chai thủy tinh giúp cho nước mắm giữ được mùi vị và màu sắc lâu sau khi mở nắp, giữ tròn Hương, tròn Vị, tròn Tình”.
Việc chủ cơ sở Nước mắm Tròn khéo léo dẫn câu chuyện để quảng bá nước mắm Phan Thiết thật hay, thật tinh tế làm những người sinh ra từ biển như tôi cũng muốn mua ngay để thưởng thức “cái tình” của má tròn đầy trong từng giọt nước mắm. Có thể thấy, theo thời gian, những cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống đã dần thay đổi từ cách nghĩ, cách làm, cách quảng bá độc đáo để nâng tầm giá trị sản phẩm địa phương. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số cơ sở sản xuất nước mắm có sản phẩm OCOP phát triển thành điểm đến tham quan cho du khách. Các đoàn khách đến mua sắm nơi đây nếu có nhu cầu sẽ được các cơ sở đưa đi trải nghiệm các nhà lều hay các công đoạn sản xuất nước mắm nếu đúng dịp vào mùa chượp cá. Hiện tại, ở thành phố Phan Thiết có Công ty TNHH Nước mắm Cá Đen, Bảo tàng nước mắm Làng chài xưa của Công ty TNHH Seagull, Cửa hàng Hải Nam Foods của Công ty TNHH Hải Nam, Nước mắm Con Cá Vàng, nước mắm Bà Hai…
Với sự tâm huyết của một người con xa quê, Làng Chài Xưa ra đời được xem là Bảo tàng Nước mắm đầu tiên của Việt Nam tại Phan Thiết, nhằm tái hiện lại lịch sử lâu đời của làng nghề truyền thống, như 1 lần nữa khẳng định nước mắm Phan Thiết mang đậm bản sắc văn hóa mà ít nơi nào có được. Nước mắm Tĩn với đặc điểm giọt nước mắm sóng sánh, ánh nâu cánh gián, hương vị thơm ngon, mặn mà đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Kế thừa và phát triển tinh hoa nghề truyền thống, sản phẩm nước mắm Tĩn với thiết kế mẫu mã sang trọng, lạ mắt được bày bán tại Bảo tàng Nước mắm đã góp phần thu hút du khách đến bảo tàng tham quan và mua sắm.
Gắn với du lịch địa phương
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh địa phương, chương trình OCOP được tỉnh bắt đầu triển khai vào năm 2019. Dù có muộn hơn so với nhiều địa phương trong cả nước, song với phương châm không phát triển dàn trải mà có trọng tâm, chọn sản phẩm thật sự nổi trội, đến nay Bình Thuận đã có nhiều sản phẩm được gắn sao OCOP, mang dấu ấn vùng đất, con người ở địa phương duyên hải Nam Trung bộ. Trong đó, sản phẩm nước mắm Phan Thiết khá đa dạng với nhiều độ đạm khác nhau và mỗi thương hiệu nước mắm là một câu chuyện gắn kết với sự thăng trầm của làng nghề truyền thống hơn 300 năm. Nhiều người bảo thị trường nước mắm là một “mỏ vàng” nếu biết khai thác đúng hướng. Những năm gần đây, có không ít thương hiệu nước mắm Phan Thiết trở thành thân quen với người tiêu dùng trong, ngoài nước và được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh, giai đoạn 2020 – 2025, Bình Thuận xác định 3 lĩnh vực kinh tế trụ cột gồm công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Vì vậy, phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch là một trong những giải pháp quan trọng. Qua đó, chủ thể của các sản phẩm OCOP tiếp cận người tiêu dùng thuận lợi hơn thông qua những sản phẩm, đặc sản, quà lưu niệm chất lượng, mang đậm dấu ấn từng địa phương của tỉnh. UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, trong đó có giải pháp tập trung phát triển thị trường thông qua gắn kết với du lịch; tăng cường quảng bá, đưa sản phẩm OCOP đến các thị trường khách du lịch trọng điểm, các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh…
Nếu làm được điều này, nước mắm Phan Thiết nói riêng, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh nói chung đạt chuẩn OCOP sẽ thực sự trở thành những đặc sản không chỉ mang giá trị tiêu dùng mà còn thể hiện bản sắc văn hóa, thu hút đông đảo du khách biết đến Bình Thuận nhiều hơn.
Tính đến ngày 5/12, toàn tỉnh có 118 sản phẩm OCOP, trong đó có 82 sản phẩm 3 sao, 34 sản phẩm 4 sao, 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao với 74 chủ thể (gồm: 22 chủ thể là HTX, 3 tổ hợp tác, 25 doanh nghiệp, 24 là cơ sở sản xuất và hộ kinh doanh). Phấn đấu đến năm 2025, Bình Thuận sẽ có thêm ít nhất 80 – 130 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.