Trong 3 ngày (từ 18 – 20/12), tại TP. Phan Thiết, Vụ Hợp tác Quốc tế – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP tại Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết dự án “Thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp các-bon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam”.
Tham dự có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2 tỉnh Bình Thuận, Bạc Liêu, các chuyên gia trong lĩnh vực trồng trọt, thủy sản, các thành viên trong dự án phát triển ngành hàng thanh long và tôm xanh, ít phát thải và bền vững.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua biến đổi khí hậu đã tác động đến tình hình sản xuất nông nghiệp, dẫn đến đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh, sự gia tăng ô nhiễm môi trường tác động xấu đến hệ sinh thái và sức khỏe con người. Do đó, dự án này được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc thực hiện tại 2 tỉnh: Bình Thuận và Bạc Liêu vào năm 2021. Qua đó, nhằm tạo ra sự chuyển biến lớn về cách tiếp cận phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững hơn.
Riêng tại Bình Thuận, kinh phí dự án được phê duyệt trên 6,9 tỷ đồng. Dự án có 4 hoạt động chính, gồm: Thúc đẩy phát triển, nâng cao chất lượng liên kết chuỗi thanh long theo hướng phát thải các bon thấp, bền vững và chống chịu với rủi ro khí hậu; Quảng bá, phát triển cho thương hiệu sản phẩm thanh long tỉnh Bình Thuận; Hợp tác trong thúc đẩy chuyển đổi số trong việc quản lý và sản xuất thanh long; Kêu gọi nguồn tài chính xanh và các cơ chế ưu đãi tài chính để đầu tư cho các công nghệ sản xuất và chế biến thân thiện môi trường, phát thải các bon thấp.
Sau gần 3 năm thực hiện, Bình Thuận đã xây dựng và phát triển thành công chuỗi giá trị ngành hàng thanh long bền vững, xanh, sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu. Có gần 4.500 người được hưởng lợi dựa vào sản xuất kinh doanh thanh long phát triển theo hướng xanh hóa, 100% hộ thành viên tham gia dự án sử dụng bóng đèn Led 9W để xử lý ra hoa nghịch vụ, tiết kiệm được hơn 75% điện năng tiêu thụ, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nên tiết giảm 42% lượng nước tưới; ứng dụng nhật ký điện tử trên phần mềm quản trị thanh long đã giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện để ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ xuất khẩu…
Đối với phát triển ngành tôm xanh, ít phát thải và bền vững ở tỉnh Bạc Liêu, đã phát triển năng lượng tái tạo và các chính sách liên quan đến bảo vệ môi trường, tài chính trong chuỗi giá trị tôm; khuyến khích các cơ sở và trang trại tăng cường liên kết hợp tác, góp phần mở rộng và ổn định nguồn cung ứng tôm chất lượng cao, đáp ứng cho các chuỗi cung ứng tiêu dùng cao cấp trong nước và xuất khẩu đi các thị trường quốc tế.
Bên cạnh những thành quả đạt được, các đại biểu đã góp ý những tồn tại, khó khăn để tiếp tục duy trì nhân rộng các chuỗi hoạt động nhằm phát triển bền vững ngành hàng thanh long và tôm trong thời gian tới. Trong đó, chuyển đổi nông nghiệp theo hướng xanh, các bon thấp, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; tích hợp đa giá trị với hệ thống quản trị hiện đại, minh bạch gắn với quá trình chuyển đổi số và liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong các chuỗi giá trị là xu thế tất yếu. Qua đó, góp phần thực hiện các chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia và các cam kết quốc tế của nông nghiệp Việt Nam.
Được biết, trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã tham quan thực tế tại một số hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến thanh long trên địa bàn tỉnh tham gia dự án. Cụ thể, tham quan hệ thống kho lạnh bảo quản thanh long tại Công ty TNHH nước ép Phúc Hà (xã Hải Ninh, Bắc Bình); mô hình trồng thanh long tại các cơ sở do phụ nữ làm chủ tại HTX Hàm Minh 30; Công ty TNHH XNK Trịnh Anh (Hàm Thuận Nam) và tham quan cơ sở chế biến thanh long tại HTX thanh long sạch Hòa Lệ (Hàm Thuận Bắc).