Ấp Văn Kê thuộc xã Văn Mỹ, là tên gọi của một thôn nằm trên triền dốc một động cát (bây giờ là xã Tân Thành thuộc huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận). Thật ra, Tân Thành là cái tên được gọi từ những năm kháng chiến chống Pháp.
Năm 1956, nơi đây có một trường tiểu học nằm trên gò Cây Cốc. Trường lợp tranh, vách đất (đất bùn trộn rơm rạ là sáng chế của những nông dân chân đất, của những ngư phủ hút thuốc rê cùng nhau xây dựng!). Vậy mà nó che mưa gió từ năm này qua tháng khác. Nơi đây có những ông thầy, bà cô tốt nghiệp sư phạm Sài Gòn ra đây dạy những đứa học trò xém bằng tuổi thầy cô. Học trò ngồi trong lớp mà cứ trông hết học, về nhà theo trâu ra đồng, xuống biển hôi cá. Có những đứa ngồi ngủ gục trên bàn vì đêm qua thức khuya xay lúa, giã gạo.
Rồi đến lúc phải xa mái trường, mỗi đứa một ngã. Đứa nào có điều kiện thì tiếp tục đi học. Đứa nào không có điều kiện thì bỏ học. Đứa lên rừng theo cách mạng, đứa xuống biển làm ngư phủ.
Văn Kê một vùng đất mà có lẽ không có nơi nào trên đất nước này có được. Nơi đây có những cái giếng cạn mà không bao giờ hết nước, dù cho những mùa nắng héo cỏ, khô đất. Đặc biệt vườn tược, cây trái, giếng nước, nằm trên một triền dốc cát trắng, trời nắng đi chân đất có thể phỏng da, vậy mà những mảnh vườn nằm nghiêng, mỗi ngày lên xuống thấm mệt. Dù nằm nghiêng, nhưng lúc nào đất cũng ẩm ướt, cây trái tươi tốt quanh năm. Mỗi vườn, người ta đào ít nhất là một cái giếng, và quanh quẩn chỗ nào cũng có giếng. Chỉ cần lấy cuốc đào sâu chừng nửa thước, lấy những tấm ván che bốn bên, là có cái giếng nước trào lên trong veo, nước như sôi, phun lên nhẹ nhàng cho những dòng nước được cát trắng lọc sạch, soi được mặt, nhìn nước trong xanh, uống nghe ngọt lịm! Mạch nước trào đã nuôi sống dân làng từ đời này qua đời khác, nước chảy xuống những đám ruộng cho lúa xanh tốt, và nước trào từ giếng xuống đồng đã tạo những vũng bùn non dành cho những con trâu ngâm mình sau những buổi cày bừa.
Những buổi trưa nghỉ học, chúng tôi vào vườn tìm đến giếng nước chổng mông mà uống vì giếng rất cạn không cần gáo, gàu… Gọi là giếng, chớ thật ra đây chỉ là cái ao nước có mạch nước trào.
Tôi tiếc, ngày nay những cái giếng ấy không còn, vì người ta lấp để nhường đất cho trái thanh long.
Nhắc đến giếng cạn Văn Kê, thì cũng nói đến biển sâu Kê Gà. Tất cả đều là Kê, nhưng một bên là nước ngọt, một bên là nước mặn.
Tôi đồ rằng, nếu ấp Kê Gà không có ngọn hải đăng thì chắc chắn không ai biết Kê Gà nằm ở đâu trên tấm bản đồ, và trong nhật ký những chuyến hải hành, người ta nhớ nơi đây đã từng gây nhiều đau thương cho tàu thuyền qua lại trên vùng biển sâu Kê Gà.
Trước khi có ngọn hải đăng Kê Gà, tàu thuyền qua lại vùng biển này thường gặp nạn vì không xác định được vị trí hay tọa độ bờ biển. Nhận thấy đây là một vùng biển nguy hiểm nên năm 1897 chính quyền thực dân Pháp đã cho xây ngọn hải đăng để định hướng cho thương thuyền mỗi khi đi qua vùng biển. Ngọn hải đăng do kiến trúc sư người Pháp Chnavat thực hiện, đến năm 1900 thì đưa vào hoạt động. Thời gian xây dựng là 3 năm.
Ngọn hải đăng cao 65 m tính từ mặt nước biển, chiều rộng ở đáy là 3 m và ở đỉnh là 2,5 m, và độ dày của bờ tường từ 1 – 1,6m. Muốn đi lên đỉnh ngọn tháp thì đi thang xoắn bên trong và diện tích hòn đảo chỉ rộng 5 ha. Vào những ngày nước cạn có thể lội ra, có khi nước chỉ ngập tới lưng quần.
Có một điều người ta muốn biết, công nhân Pháp hay công nhân Việt làm phu xây, và trong lúc xây dựng có ai bị tai nạn không? Vì dưới chân tháp có cái miếu với những bó nhang và cây nhang cháy dở của khách tham quan.
Hải đăng Kê Gà cổ nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Và ngày nay du khách đã đến vùng đất đầy gió cát để ngắm vẻ đẹp ngọn hải đăng già, và nhìn xa, xa thẳm, cái lằn ranh đụng nhau giữa trời và biển, sẽ thấy một vùng nước sâu. Nơi đây đã nhấn chìm biết bao tàu thuyền khi chưa có hải đăng Kê Gà.
Văn Kê giếng cạn đã mất. Đảo, động cát, biển sâu Kê Gà vẫn còn, nhưng người xưa nào đâu thấy?