Mặc dù giá mủ cao su chưa đạt ở ngưỡng cao nhất so với vài thời điểm của những năm trước. Tuy nhiên so với 2 năm trở lại đây thì hiện nay với mức 29 – 30 triệu đồng/tấn được đánh giá là khởi sắc, người trồng cao su lấy mủ đang có lãi…
Nằm ở mức thấp 22 – 23 triệu đồng/tấn từ năm 2022 đến đầu vụ thu hoạch mủ năm 2023 và kéo dài sang tận tháng 10 khiến người trồng cao su nản lòng. Nhiều trang trại cao su bỏ cạo mủ bởi phải thuê công nhân cạo mủ, người quản lý chi phí đầu tư tăng nên nếu tiến hành lấy mủ sẽ bị lỗ vốn. Thay vào đó, một số gia đình có điều kiện thì bón phân chuồng cầm chừng cho cây cao su đủ dinh dưỡng, chờ cao su lên giá sẽ tiến hành cạo. Đối với người dân trồng nhỏ lẻ, hộ gia đình vẫn tiến hành bón phân và cạo mủ kiểu lấy công làm lời, thay cho việc phải đi làm thuê cho người khác. Anh Lê Văn Thuận ở xã La Dạ, Hàm Thuận Bắc có hơn 10 ha cao su đang cho mủ, tâm sự: Đầu mùa giá mủ chỉ 22 triệu đồng/tấn nên không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ khác bỏ cạo vì làm diện tích lớn nên phải thuê nhân công, mà giá mủ thấp nên tiền mủ không đủ trả các khoản chi phí. Tuy nhiên tôi vẫn duy trì bón phân và chăm sóc vườn cây để khi mủ lên giá thì mở miệng cây là cạo được, tránh trường hợp như những năm trước giá mủ đầu mùa thấp nhưng qua hơn ½ vụ thì giá tăng đột biến nhiều trang trại cao su lúc đầu bỏ mặc không chăm sóc nên khi giá mủ tăng cao, trở tay không kịp vì không có thời gian bón phân, chăm sóc cho cây sao su trước. Năm nay, giá mủ ban đầu thấp nhưng hơn tháng nay giá mủ nhích lên. Hiện tại giá mủ đang ở mức 29 – 30 triệu đồng/tấn, đây được xem là giá ở mức khá, người trồng cao su có lợi nhuận tạm ổn. Khi giá nhích lên 27 triệu đồng/tấn, tôi đã tiến hành mở miệng cho cây để lấy mủ. Do cây có thời gian nghỉ dưỡng trước đó nên khi cạo mủ rất đạt, năng suất cao bù lại thu nhập cho mấy tháng bỏ cạo…
Lý giải về việc cao su lên giá, một chuyên viên thị trường xuất khẩu mủ cao su cho biết: Mặc dù thị trường tiêu thụ mủ cao su thế giới biến động do chiến tranh và suy thoái kinh tế, lượng hàng nhập khẩu hạn chế hơn nhiều năm trước. Tuy nhiên, do giá mủ thấp nên các nước trong khu vực có trồng khai thác cao su hạn chế khai thác nên năng suất giảm. Từ đây, vào thời gian cuối vụ các đơn hàng không đủ lượng để xuất cho đối tác nên các đơn vị tranh thủ gom hàng để đủ số lượng xuất cho đối tác…
Theo Sở Nông nghiệp – PTNT, toàn tỉnh hiện có khoảng 45.000 ha cao su, trong đó gần 2/3 diện tích cho thu hoạch, bình quân lượng mủ từ 14 – 15 tạ/ha, có nơi thổ nhưỡng tốt và được chăm sóc đúng quy trình thì thu 18 tạ/ha. Riêng ở Tánh Linh diện tích cao su chiếm ½ diện tích cao su của tỉnh, ở Tánh Linh và Đức Linh cũng có nhiều nhà máy chế biến mủ cao su nên tạo được khâu sản xuất khép kín từ sản xuất đến chế biến (mặc dù các nhà máy mới chế biến thô, chưa sản xuất hàng tiêu dùng từ mủ cao su). Nhờ vậy, khá lớn lao động trong vùng được sử dụng cho chăm sóc, cạo mủ và chế biến, góp phần giải quyết lực lượng lao đồng thừa hạn chế trình độ học vấn ở vùng nông thôn.
Cao su được giá, giúp người dân trồng cao su ở các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh tăng thêm thu nhập, tạo phấn khởi cho nông dân và tăng niềm tin vào cây trồng cao su…